Mỹ đã bày tỏ ủng hộ đối thoại trực tiếp giữa Ấn Độ và Pakistan như được nêu trong Thỏa thuận Simla, đồng thời nhận định việc Islamabad tiếp tục hậu thuẫn những phần tử tiến hành các hoạt động khủng bố xuyên biên giới vẫn là "trở ngại chính" đối với đàm phán.
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi ngày 22/10, hãng thông tấn PTI dẫn lời Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Nam và Trung Á Alice G. Wells phát biểu tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện nêu rõ đối thoại trực tiếp giữa Ấn Độ và Pakistan, như được nêu trong Thỏa thuận Simla năm 1972, là hướng đi triển vọng nhất để giảm căng thẳng.
Bà Wells cho biết trong các cuộc đàm phán kín năm 2006-2007, các quan chức Ấn Độ và Pakistan đã đạt được tiến bộ đáng kể về một số vấn đề, bao gồm cả Kashmir.
Bà nói: "Lịch sử cho chúng ta thấy những điều có thể làm được. Tái khởi động một cuộc đối thoại song phương hữu ích đòi hỏi việc xây dựng lòng tin, và trở ngại chính vẫn là việc Pakistan liên tục hậu thuẫn các nhóm cực đoan thực hiện khủng bố xuyên biên giới."
[Đấu súng tại khu vực biên giới Ấn Độ-Pakistan gây nhiều thương vong]
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Wells hoan nghênh tuyên bố dứt khoát gần đây của Thủ tướng Pakistan Imran Khan rằng những kẻ khủng bố từ Pakistan thực hiện hành vi bạo lực ở Kashmir là kẻ thù của cả người Kashmir và Pakistan.
Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo việc Pakistan chứa chấp các nhóm khủng bố như Lashkar-e-Taiba và Jaish-e-Mohammed, vốn tìm cách kích động bạo lực qua đường Ranh giới kiểm soát (LoC), đang gây bất ổn và chính quyền Pakistan vẫn phải chịu trách nhiệm về hành động của những nhóm này.
Quan chức ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: "Nền tảng của bất cứ cuộc đối thoại thành công nào giữa Ấn Độ và Pakistan đều dựa trên việc Pakistan có những bước đi lâu dài và không thể đảo ngược chống lại phiến quân và khủng bố trong lãnh thổ của nước mình."
Cũng theo bà Wells, cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo đều đã nhiều lần gặp gỡ và trao đổi với những người đồng cấp Ấn Độ và Pakistan, kể cả các cuộc tiếp xúc gần đây bên lề kỳ họp của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, để khuyến khích đối thoại giữa hai quốc gia láng giềng này./.