Mỹ đối mặt với thiệt hại nặng nề do nắng nóng cực đoan

Báo cáo nhận định nắng nóng cực đoan có thể gây thiệt hại kinh tế hàng năm ở Mỹ lên tới 500 tỷ USD vào năm 2050 và tác động bất cân xứng đến những cộng đồng thiểu số.
Nhiệt độ ngoài trời lên đến 54 độ C tại Furnace Creek, bang California, Mỹ ngày 17/6/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tình trạng nắng nóng cực đoan ngày càng tồi tệ có thể sẽ gây thêm thiệt hại đáng kể về kinh tế và y tế cộng đồng tại Mỹ nếu không có biện pháp ứng phó tình trạng biến đổi khí hậu hiệu quả.

Đây là kết quả một báo cáo được Hội đồng Atlantic - một tổ chức nghiên cứu ở Washington, công bố ngày 31/8.

Báo cáo nhận định thiệt hại kinh tế hàng năm ở Mỹ có thể lên tới 500 tỷ USD vào năm 2050, sẽ tác động bất cân xứng đến những cộng đồng thiểu số.

Theo đó, Mỹ có thể ghi nhận tới 59.000 ca tử vong do nắng nóng mỗi năm đến năm 2050 nếu những hành động ứng phó biến đổi khí hậu chỉ được duy trì như hiện nay, đặc biệt ở những khu vực như Arizona, miền Nam bang California và Tây Nam bang Texas.

Báo cáo đã đánh giá tác động kinh tế tiềm tàng của tình trạng phát thải hiện nay so với tác động ở những năm “bình thường,” không đặc biệt nóng, như giai đoạn 1986-2005.

Trong khi những yếu tố làm gia tăng tình trạng biến đổi khí hậu có thể tránh được, báo cáo nhận định Mỹ sẽ thiệt hại trung bình khoảng 100 tỷ USD mỗi năm về năng suất lao động do nắng nóng cực đoan, dựa trên các xu hướng lịch sử và dữ liệu kinh tế năm 2020.

Báo cáo chỉ ra rằng nếu không có những nỗ lực cắt giảm khí thải đáng kể hoặc thích ứng với nhiệt độ ấm hơn, khoảng 30% dân số Mỹ dự kiến vào năm 2050 có thể phải trải qua 100 ngày mỗi năm với nhiệt độ tối đa hàng ngày có thể lên tới 32 độ C.

Tỷ lệ trên cao gấp 6 lần tỷ lệ người bình thường phải đối mặt nếu không tính đến tình trạng biến đổi khí hậu.

[Thiên tai tăng gấp 5 lần trong 50 năm qua, 2 triệu người thiệt mạng]

Những lĩnh vực sử dụng lượng lớn lao động ngoài trời, như nông nghiệp và xây dựng, sẽ chịu tác động bất cân xứng, cũng như ngành dịch vụ, nếu người lao động không được tiếp cận điều hòa nhiệt độ đầy đủ.

Theo đó, năng suất của người lao động da màu và gốc Latinh nhiều khả năng giảm tới 18% so với người lao động da trắng, do họ có xu hướng sống và làm việc ở những khu vực nắng nóng hơn. Đây là một khía cạnh khác của tình trạng phân biệt và bất bình đẳng.

Thiệt hại kinh tế cũng sẽ bao gồm cả giảm sản lượng hoa màu. Chẳng hạn, bang Illinois có thể thiệt hại mùa màng lên tới 1,6 tỷ USD/năm do nắng nóng vào năm 2050 trong điều kiện như hiện nay.

Sản lượng ngô có thể giảm tới 10% ở những khu vực chính tại Mỹ vào năm 2050, nếu khí phát thải không được kiểm soát và nắng nóng cực đoan không chỉ giới hạn ở những khu vực biên giới.

Đáng chú ý, Mỹ hiện chiếm gần 1/3 xuất khẩu ngô toàn cầu.

Báo cáo cũng nhận định tác động tiêu cực của nắng nóng cực đoan có thể còn nguy hại hơn cả những diễn biến thời tiết đang thu hút nhiều chú ý hiện nay như cháy rừng hay bão lũ.

Theo đó, Mỹ có thể chứng kiến 450.000 vụ tai nạn lao động mỗi năm do nắng nóng đến năm 2050 nếu không có hành động chống biến đổi khí hậu đáng kể.

Báo cáo của Hội đồng Atlantic cho biết những dự báo trên được đưa ra dựa trên dữ liệu khí hậu trong lịch sử và những mô hình khoa học giả định các kịch bản khí thải phát trong giai đoạn 2021-2060.

Theo các chuyên gia, báo cáo giúp mọi người bắt đầu nhận thức về tầm mức của cuộc khủng hoảng hiện nay, cả về tài chính và y tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục