Mỹ đối mặt với nguy cơ rơi vào vòng xoáy tội phạm bạo lực

Năm 2021, số vụ phạm tội giết người tại Mỹ tiếp tục ở mức cao, sau khi tăng mạnh 27% trong năm 2020, thời điểm đại dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện và bùng phát.
Mỹ đối mặt với nguy cơ rơi vào vòng xoáy tội phạm bạo lực ảnh 1Tuần hành phản đối nạn phân biệt chủng tộc tại Washington DC., Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ rơi vào vòng xoáy tội phạm bạo lực, nhất là tình trạng sử dụng súng đạn tràn lan, với số vụ giết người tại quốc gia này tiếp tục tăng cao trong năm 2021, tạo ra sức ép đòi hỏi chính quyền của Tổng thống Joe Biden cần nhanh chóng đưa ra các biện pháp giải quyết.

Đây là một thách thức không nhỏ đối với Tổng thống Biden và đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ diễn ra cuối năm nay, trong bối cảnh nước Mỹ tiếp tục hứng chịu những tác động của đại dịch COVID-19 và tình trạng phân biệt đối xử chủng tộc.

Năm 2021, số vụ phạm tội giết người tại Mỹ tiếp tục ở mức cao, sau khi tăng mạnh 27% trong năm 2020, thời điểm đại dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện và bùng phát, kéo theo nhiều tác động tới toàn bộ đời sống chính trị, kinh tế và xã hội, trong đó phải kể tới xu hướng kỳ thị nhằm vào người gốc Á.

Theo trang lưu trữ trực tuyến chuyên theo dõi các vụ bạo lực súng đạn ở Mỹ có tên Gun Violence Archive, tính từ năm 2013, gần như tất cả các chỉ số về bạo lực súng đạn trong năm 2021 đều lập "kỷ lục."

Đáng chú ý, nước Mỹ đã chứng kiến số vụ xả súng hàng loạt tăng cao kỷ lục với 691 vụ trong năm 2021, trung bình một vụ có ít nhất 4 nạn nhân.

Trong khi đó, hơn 2/3 thành phố đông dân nhất tại Mỹ đã phải chứng kiến nhiều vụ giết người hơn trong năm 2021 so với năm 2020, đáng kể như thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania chứng kiến số vụ giết người cao nhất kể từ năm 1960; thành phố Chicago, bang Illinois cũng chứng kiến năm bạo lực nhất trong vòng 1/4 thế kỷ; thành phố Los Angeles, bang California rơi vào tình trạng bạo lực nhất trong 15 năm qua.

Tội phạm hận thù nhằm vào người gốc Á đã tăng 339% năm 2021, trong đó Los Angeles và New York là các thành phố ghi nhận nhiều tội ác hận thù nhất so với bất kỳ thành phố nào của Mỹ. Theo chuyên gia John C.Yang từ Trung tâm Tiến bộ người Mỹ gốc Á (AAJC), cộng đồng người Mỹ gốc Á tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ tấn công tăng cao.

[Mỹ: Biểu tình tại Oakland nhằm phản đối phân biệt chủng tộc]

Chuyên gia Scott Kegler từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) nhấn mạnh rằng các vụ giết người và tự sát bằng súng là một mối quan tâm sức khỏe cộng đồng khẩn cấp tại Mỹ, đồng thời cho rằng tỷ lệ giết người ở các khu vực tàu điện ngầm trong giai đoạn 2015-2019 tăng mạnh sau một giai đoạn giảm liên tục.

Tiến sỹ Georges Benjamin từ Hiệp hội Y tế công cộng Mỹ nhận định việc chưa giảm thiểu tình trạng bạo lực súng đạn trong nước đang khiến người dân, đặc biệt giới trẻ tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro.

Việc chính quyền Tổng thống Biden ngày 3/2 công bố những biện pháp bổ sung để giảm thiểu tình trạng tội phạm súng đạn và làm cho cộng đồng an toàn hơn nằm trong những nỗ lực thực hiện mục tiêu và cam kết mà ông Biden đưa ra từ khi bước chân vào Nhà Trắng.

Mục tiêu trên là một phần lý do khiến chính quyền ông Biden và đảng Dân chủ thúc đẩy Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ (ARP), trong đó cung cấp mức tài trợ lịch sử nhằm tăng cường lực lượng cảnh sát và đầu tư vào các chương trình can thiệp, ngăn chặn bạo lực dựa vào cộng đồng.

Phát biểu mới nhất của ông Biden cũng nhằm thúc giục Quốc hội Mỹ thông qua thỏa thuận lưỡng đảng về các khoản chi cho năm tài chính 2022, bao gồm 500 triệu USD tài trợ mới cho các chiến lược ngăn chặn và giảm thiểu tội phạm súng.

Trong đó, biện pháp đầu tiên mà chính quyền muốn hướng là ngăn chặn việc sử dụng súng gây bạo lực. Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) tháng 6/2021 từng công bố chính sách mới, nhấn mạnh không khoan nhượng đối với một số hành vi cố ý vi phạm pháp luật của các đại lý súng được cấp phép liên bang mà gây nguy hiểm cho an toàn công cộng.

Tháng 7/2021, DOJ đã triển khai 5 lực lượng thực thi pháp luật mới tập trung vào việc giải quyết các đường dây buôn bán vũ khí tại những đô thị lớn như New York (bang New York), Chicago, Los Angeles, Bay Area (bang California) cũng như thủ đô Washington D.C. Các lực lượng này đã mở hơn 540 cuộc điều tra và tạm giữ gần 3.100 khẩu súng liên quan tới tội phạm.

Cũng trong năm ngoái, Cơ quan Quản lý rượu, thuốc lá, súng và chất nổ (ATF) của DOJ đã ban hành quy định nhằm hạn chế việc phổ biến “súng ma” (loại súng sản xuất cá nhân, không được cấp phép và ngày càng thường xuyên được tìm thấy tại các hiện trường vụ án).

Bên cạnh đó, thông qua Kế hoạch ARP, chính quyền Mỹ cũng thúc đẩy hỗ trợ việc thực thi pháp luật bằng các công cụ và nguồn lực của liên bang để giải quyết tội phạm bạo lực, truy tố những đối tượng buôn bán súng trái phép.

DOJ vừa công bố một loạt biện pháp mới quan trọng nhằm ngăn chặn "luồng súng" được sử dụng để gây bạo lực, đồng thời hỗ trợ thực thi pháp luật trong nỗ lực chống tội phạm súng đạn, trong đó có việc tập trung tấn công “Đường ống sắt” (Iron Pipeline) - "luồng súng" bất hợp pháp được mua bán ở miền Nam, vận chuyển tới bờ biển phía Đông và được tìm thấy tại hiện trường tội phạm ở các thành phố từ Baltimore đến New York.

DOJ cũng khởi động "Sáng kiến quốc gia ngăn chặn súng ma" (National Ghost Gun Enforcement), truy đuổi và xét xử những kẻ bán súng bất hợp pháp.

Mỹ đối mặt với nguy cơ rơi vào vòng xoáy tội phạm bạo lực ảnh 2Những người trẻ tuổi tham gia tuần hành biểu thị tình đoàn kết với người Mỹ gốc châu Á tại New York, Mỹ, ngày 20/3/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tổng thống Biden cũng thúc đẩy các biện pháp can thiệp bạo lực cộng đồng dựa trên bằng chứng, với việc thông qua đạo luật "Xây dựng trở lại tốt hơn" (Build Back Better), đề xuất tài trợ 5 tỷ USD cho DOJ và CDC để đầu tư vào các biện pháp này.

Năm cơ quan liên bang đã sửa đổi 26 chương trình khác nhau để nhanh chóng hỗ trợ cho các chương trình can thiệp bạo lực cộng đồng. Chính quyền Mỹ cũng mở rộng chương trình mùa hè, cơ hội việc làm cùng các dịch vụ và hỗ trợ khác cho thanh thiếu niên, thông qua Kế hoạch ARP hỗ trợ 350 tỷ USD cho tiểu bang và địa phương, 122 tỷ USD cho trường học.

Đồng thời, chính quyền Mỹ còn đẩy mạnh việc hỗ trợ các đối tượng phạm tội trước đây tái hòa nhập cộng đồng sau thời gian thụ án. Năm ngoái, Bộ Lao động từng triển khai kế hoạch trị giá 85,6 triệu USD để hỗ trợ các đối tượng phạm tội bị giam giữ ở 28 cộng đồng hướng tới việc làm chất lượng.

Đề xuất ngân sách năm tài chính 2022 của Tổng thống Biden kêu gọi tăng các khoản trợ cấp này thành 150 triệu USD để tái đầu tư vào các cơ hội việc làm.

Ngoài ra, Đạo luật Build Back Better cũng bao gồm 1,5 tỷ USD cho các khoản tài trợ nhằm giúp các cá nhân từng bị giam giữ có được công việc tốt và tái hòa nhập thành công với cộng đồng của họ, trong khi Luật Cơ sở hạ tầng lưỡng đảng sẽ tạo ra hàng trăm nghìn công việc được trả lương cao mà những người từng bị giam giữ trước đây sẽ có thể tiếp cận.

Chính quyền Tổng thống Biden bước sang năm 2022 với rất nhiều sức ép từ các chương trình nghị sự quan trọng.

Ngoài những vấn đề đối nội hàng đầu như phục hồi và phát triển kinh tế thông qua hàng loạt kế hoạch lớn về kinh tế xã hội, cơ sở hạ tầng, thúc đẩy các chương trình đối phó với đại dịch COVID-19, xử lý chuỗi cung ứng sản xuất và hàng hóa, vấn đề nhập cư…, việc kiểm soát bạo lực súng đạn cũng đang là thách thức, có thể sẽ trở thành một chủ đề quan trọng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022.

Nỗ lực mới nhằm trấn áp tội phạm và đem lại cuộc sống an toàn cho người dân sẽ quyết định sự ủng hộ của cử tri đối với chính quyền ông Biden và đảng Dân chủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục