Mỹ đối mặt với mùa cam thất bát nhất gần 30 năm qua

Nông dân Mỹ đang phải đối mặt với vụ mùa cam, quýt thất bát nhất trong vòng gần 30 năm qua do sâu hai tấn công cây trồng gây bệnh vàng lá gân xanh.
Mỹ đối mặt với mùa cam thất bát nhất gần 30 năm qua ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: mnn.com)

Nông dân bang Florida, Mỹ đang phải đối mặt với vụ mùa cam, quýt thất bát nhất trong vòng gần 30 năm qua do một loài sâu hại nguy hiểm tấn công gây bệnh vàng lá gân xanh, khiến giá nước cam đóng hộp trên thị trường tăng cao.

Theo những người nông dân, khoảng 70 triệu cây cam trên diện tích 212.000ha tại vùng này đã bị loài côn trùng có nguồn gốc châu Á truyền vi khuẩn Liberobacter asiatus gây bệnh vàng lá gân xanh, làm cho trái nhỏ, có vị đắng và nhanh rụng. Họ cũng cho biết đã áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh như phun thuốc trừ sâu hay bón phân cùng các khoáng chất vi lượng nhưng vẫn không hiệu quả.

Sâu bệnh tấn công cây trồng đang khiến nông dân nơi đây phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm mạnh sản lượng cam quýt trong vụ mùa sắp tới.

Theo số liệu mới nhất công bố hồi đầu tháng Tư này, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự đoán sản lượng cam trong vụ mùa sắp tới chỉ đạt 110 triệu thùng, tương đương gần 5 triệu tấn. Con số này thấp hơn 18% so với năm ngoái, và thua xa con số kỷ lục 224 triệu thùng cam quýt thu hoạch hồi năm 1998.

Nguy cơ mất mùa cam quýt cũng đã đẩy giá mặt hàng nước cam đóng hộp trên Sàn chứng khoán liên lục địa tại New York tăng vọt và đạt đỉnh kể hồi tháng 3/2012.

Theo đó, giá nước quả giao tháng Năm đã tăng 7% lên hơn 3 USD/kg trong ba phiên giao dịch liên tiếp. Hiện giới chức nước này đã chi hàng triệu USD cho công tác nghiên cứu nhằm tìm kiếm các giải pháp hữu hiệu, hỗ trợ nông dân nước này đối phó với dịch bệnh.

Được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1929 ở Trung Quốc với tên gọi bệnh Hoàng Long hay "rồng vàng," bệnh vàng lá gân xanh trên cây có múi thường do vi khuẩn Liberobacter asiatus gây nên thông qua loài rầy chổng cánh làm trung gian truyền bệnh. Bệnh này lây lan khiến các cây có múi, đặc biệt là cam quýt, phát triển chậm, trái nhỏ và kém chất lượng, gây thiệt hại nặng cho những người trồng cam.

Tại Florida, một trong những bang có ngành trồng cam quýt lớn nhất nước Mỹ với doanh thu đạt 9 tỷ USD/năm và tạo ra 76.000 việc làm ổn định, bệnh vàng lá gân xanh được phát hiện vào năm 1998, năm mà sản lượng ngành công nghiệp nước cam ép của Floria đạt đỉnh cao nhất trong lịch sử với gần 6 tỷ lít.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, sản lượng cam quýt tại vùng này liên tục bị sụt giảm mà một phần nguyên nhân là do bệnh vàng lá gân xanh tấn công, góp phần khiến thị trường nước cam ép của Mỹ dần về tay Brazil./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục