Mỹ dọa rút công nhận quy chế nước đang phát triển, Trung Quốc nói gì?

Trung Quốc cho rằng việc cảnh báo của Mỹ là một cách thức gây sức ép trước thềm các cuộc họp về thương mại giữa hai nước dự kiến diễn trong tuần này.
Mỹ dọa rút công nhận quy chế nước đang phát triển, Trung Quốc nói gì? ảnh 1(Nguồn: Nikkei Asian Review)

Hãng tin Tân Hoa xã ngày 29/7 cho hay việc Mỹ cảnh báo sẽ rút lại công nhận quy chế “nước đang phát triển" của Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là một cách thức gây sức ép trước thềm các cuộc họp về thương mại giữa hai nước dự kiến diễn trong tuần này và sẽ thất bại.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26/7 nêu rõ WTO vẫn sử dụng kiểu phân định đã lỗi thời giữa những "nước phát triển" và "đang phát triển," điều đã tạo ra những lợi thế không công bằng cho một số thành viên WTO.

[Ông Trump dọa không công nhận quy chế đặc biệt của Trung Quốc tại WTO]

Theo tuyên bố này, nếu trong vòng 90 ngày những quy định WTO không có sự cải thiện đáng kể, Washington sẽ yêu cầu Đại diện Thương mại của nước này ngừng đối xử với những thành viên WTO nói trên như các nền kinh tế đang phát triển.

Tuyên bố của ông Trump chỉ ra hàng loạt nền kinh tế được hưởng lợi từ quy chế “nền kinh tế đang phát triển,” trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới Trung Quốc.

Theo tuyên bố, 7 trong số 10 nền kinh tế giàu nhất thế giới tính theo GDP tính theo sức mua tương đương (PPP) hiện được xếp hạng "đang phát triển" là Brunei, hai Khu hành chính đặc biệt Hong Kong và Macau của Trung Quốc, Kuwait, Qatar, Singapore và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Quy chế "nước đang phát triển" ở WTO cho phép các nước có thời hạn dài hơn để thực hiện các cam kết về tự do thương mại cũng như khả năng bảo vệ một số lĩnh vực sản xuất nội địa và duy trì các khoản trợ cấp cho các ngành nghề và doanh nghiệp trong nước.

Trong khi đó, theo kế hoạch, các quan chức phụ trách thương mại của Mỹ và Trung Quốc sẽ nhóm họp trong hai ngày 30 và 31/7 tại Thượng Hải (Trung Quốc) để tìm cách giải quyết tình trạng xung đột thương mại song phương đã dẫn tới việc Bắc Kinh và Washington áp thuế tới hơn 360 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của nhau./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục