Mỹ dỡ bỏ điều khoản hạn chế người di cư qua biên giới với Mexico

Ngay sau khi Mỹ dỡ bỏ điều khoản hạn chế người di cư qua biên giới với Mexico, hàng nghìn người di cư, chủ yếu đến từ châu Mỹ, đã có mặt ở cả hai bên biên giới để tìm con đường nhập cư hợp pháp.
Người di cư di chuyển qua bang Chiapas (Mexico) hướng tới Mỹ ngày 9/6/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Vào đêm 11/5 giờ địa phương, Điều khoản 42, chính sách hạn chế người di cư từ Mexico sang Mỹ để ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch COVID-19, chính thức hết hiệu lực.

Hàng nghìn người di cư, chủ yếu đến từ châu Mỹ, đã có mặt ở cả hai bên biên giới để tìm con đường nhập cư hợp pháp.

Nhiều người cố vượt qua con sông Rio Grande tại thành phố Brownsville, bang Texas, với hy vọng họ có thể được nhập cư vào Mỹ một cách dễ dàng sau khi tự nộp mình cho Lực lượng Tuần tra Biên giới.

[Mexico: Mỹ đã trục xuất hơn 2,8 triệu người di cư ở cửa khẩu biên giới]

Tuy nhiên, việc dỡ bỏ quy định không phải là cánh cửa mở ra nhằm tạo điều kiện cho việc di cư dễ dàng hơn.

Một quy tắc khác được gọi là Điều khoản 8 sẽ được giữ nguyên, trong đó những người bị bắt khi di cư bất hợp pháp không chỉ bị trục xuất khỏi Mỹ và đối mặt với lệnh cấm 5 năm xin cấp quy chế tị nạn, mà còn có nguy cơ phải chịu các cáo buộc hình sự.

Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng ban hành những quy định mới nhằm giảm bớt áp lực tại biên giới, yêu cầu người di cư phải làm đơn xin nhập cảnh từ nước ngoài.

Mỹ cũng cam kết thành lập các trung tâm xử lý vấn đề nhập cư ở các quốc gia khác, tạo ra các chương trình tị nạn đặc biệt cho một số nơi như Haiti, cũng như mở rộng giấy phép lao động tạm thời.

Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ, ông Alejandro Mayorkas, cho biết chính quyền nước này cũng sẽ yêu cầu đặt lịch hẹn và phỏng vấn người di cư qua một ứng dụng điện thoại mới mang tên CBP One.

Qua ứng dụng, chính phủ Mỹ có thể xác định số lượng người xin nhập cư đang vượt quá khả năng đặt lịch hẹn.

Tuy nhiên, CBP One cũng vấp phải những thách thức khi có những lỗi kỹ thuật gây ảnh hưởng tới người dùng, hay việc yêu cầu phải có điện thoại thông minh cũng như kết nối Wifi để có thể truy cập vào ứng dụng.

Nhập cư là một trong những vấn đề luôn gây nhức nhối tại Mỹ.

Theo các chuyên gia, trong năm nay, hàng nghìn người di cư đã nhiều lần có mặt ở biên giới do những thông tin sai lệch từ các nhóm chống nhập cư và buôn người lan truyền, cho rằng Mỹ sẽ mở cửa biên giới.

Tháng 3/2023, một nhóm người đã cố băng qua một cây cầu quốc tế sau khi nghe tin đồn sẽ được phép nhập cảnh vào Mỹ như một phần của "ngày di cư."

Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Texas (CBP) cũng báo cáo về một sự kiện tương tự xảy ra ngày 27/3 vừa qua, liên quan đến hơn 1.000 người, sau vụ hỏa hoạn đã cướp đi sinh mạng của 40 người tại một trung tâm di cư tại thành phố Ciudad Juarez, Mexico.

Các thành phố dọc biên giới Mỹ đã chuẩn bị cho sự thay đổi này, mặc dù họ không chắc chắn liệu những điều khoản mới có thực sự có tác dụng, sau khi chứng kiến hàng nghìn người di cư mới xuất hiện trên đường phố hằng tháng trong 3 năm qua khi Điều khoản 42 vẫn còn có hiệu lực.

Tuy nhiên, ông Mayorkas một lần nữa khẳng định chính sách mới này sẽ mở ra nhiều con đường hợp pháp cho người di cư - miễn là họ sử dụng ứng dụng CBP One, hoặc qua các trung tâm xử lý vấn đề nhập cư của Mỹ ở Colombia, Guatemala và nhiều quốc gia khác.

Những ngày gần đây, hơn 10.000 người/ngày từ Mexico đã vượt biên sang Mỹ trước khi quy định mới của nước này có hiệu lực có thể cấm đa số những người di cư bất hợp pháp xin tị nạn tại Mỹ.

Trong bối cảnh này, ngày 11/5, Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát đã thông qua một dự luật về người di cư, trong đó đề xuất khởi động lại công trình xây dựng bức tường biên giới phía Nam nước này đang bị đình trệ.

Với 219 phiếu ủng hộ và 213 phiếu chống, Dự luật Bảo vệ Biên giới năm 2023 đã được Hạ viện thông qua.

Dự luật này sẽ áp dụng lại một số biện pháp căn bản của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, như hoàn thành xây dựng bức tường biên giới Mỹ-Mexico được khởi động dưới thời ông Trump, tăng cường các biện pháp hạn chế người tị nạn.

Dự luật trên khả năng sẽ không vượt được qua “ải” Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát và Tổng thống Joe Biden tuyên bố dùng quyền phủ quyết để bác bỏ dự luật này. Mặc dù vậy, dự luật được xem là một tín hiệu khởi đầu cho các cuộc thương lượng giữa các đảng về cải cách chính sách nhập cư.

Ông Trump cam kết xây dựng bức tường biên giới Mỹ-Mexico dài 1.954 dặm (3.145km) và cho rằng Chính phủ Mexico phải trả kinh phí cho việc này. Tuy nhiên, chính quyền của ông Trump chỉ xây dựng được khoảng 700km tường bằng tiền thuế của người dân Mỹ.

Trong đó, chỉ khoảng 80km được xây mới trong khi phần còn lại là một phần mở rộng hoặc cải tạo các công trình hiện có./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục