New York Times ngày 30/8 đưa tin nhà chức trách Mỹ đang điều tra trên diện rộng các ngân hàng Trung Quốc liên quan đến hoạt động làm ăn của những ngân hàng này với Iran, sau khi một ngân hàng Trung Quốc bị áp đặt trừng phạt hồi cuối tháng Bảy.
Mỹ đã mở rộng điều tra đối với hai ngân hàng HSBC và Standard Chartered của Anh để tìm kiếm thông tin về những mối quan hệ của các ngân hàng Trung Quốc với Iran (Nguồn: AFP)
Theo tờ báo, nhà chức trách Mỹ đã mở rộng điều tra đối với hai ngân hàng HSBC và Standard Chartered của Anh để tìm kiếm thông tin về những mối quan hệ của các ngân hàng Trung Quốc với Iran mà có thể vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ. Các cuộc điều tra này liên quan đến Bộ Tư pháp Mỹ và văn phòng công tố viên khu vực Manhattan, New York nhưng vẫn ở mức độ không chính thức do các công tố viên vẫn chưa thu thập đủ thông tin. Tuy nhiên, động thái này diễn ra sau khi hai ngân hàng của Anh nói trên bị phạt nặng ở Mỹ vì thực hiện các giao dịch tiền bạc và những hoạt động kinh doanh khác vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ. Ngoài ra, cả hai ngân hàng này đều có những mạng lưới rộng lớn ở châu Á và Trung Đông đồng thời có những mối liên hệ sâu sắc với hệ thống tài chính của Trung Quốc, do đó các công tố viên hy vọng giám đốc hai ngân hàng này sẽ làm sáng tỏ thêm về mối quan hệ độc lập của các ngân hàng Trung Quốc với Iran. Tờ báo dẫn lời các quan chức thực thi pháp luật Mỹ cho biết quá trình điều tra về những hành vi vi phạm trừng phạt của những ngân hàng toàn cầu lớn khác, trong đó có ABN-Amro, Barclays, Credit Suisse, Lloyds và ING đã mang lại những thông tin giá trị về mối quan hệ của các ngân hàng Trung Quốc với Iran. Hôm 31/7, Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt chính thức đối với Ngân hàng Kunlun do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc sở hữu. Bộ Tài chính Mỹ cho rằng ngân hàng này "đã cung cấp các dịch vụ tài chính quan trọng cho ít nhát sáu ngân hàng Iran bị Mỹ tuyên bố có liên quan đến các chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iran hoặc việc nước này tiếp tay cho khủng bố quốc tế"./.
(Vietnam+)