Mỹ điều tra bê bối thu thập dữ liệu người dùng của Facebook

Ủy ban Thương mại Mỹ (FTC), cơ quan giám sát cạnh tranh và tiêu dùng thị trường, đang điều tra Facebook về vụ bê bối tiếp cận trái phép thông tin của 50 triệu người dùng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Ủy ban Thương mại Mỹ (FTC), cơ quan giám sát cạnh tranh và tiêu dùng thị trường, đang điều tra Facebook về vụ bê bối tiếp cận trái phép thông tin của 50 triệu người dùng mạng xã hội này.

Báo Wall Street Journal ngày 20/3 đưa tin FTC sẽ điều tra để xác định trong vụ hãng phân tích dữ liệu Cambridge Analytica thu thập và sử dụng thông tin của 50 triệu người dùng Facebook, mạng xã hội này có vi phạm các điều khoản của một sắc lệnh quy định Facebook phải nhận được sự đồng ý của người dùng về việc thu thập và chia sẻ dữ liệu cá nhân của trên tài khoản hay không.

Theo báo Washington Post, nếu FTC kết luận Facebook thực sự đã phá vỡ thỏa thuận này, công ty có thể phải nộp phạt lên tới 40.000 USD cho mỗi lần vi phạm.

Facebook đang đối mặt với "búa rìu" dư luận cũng như chịu sức ép điều tra từ cả giới chức Anh, Mỹ và châu Âu liên quan tới thông tin cho rằng Cambridge Analytica, hãng phân tích dữ liệu của Anh được ê kíp tranh cử của Tổng thống Donald Trump thuê trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, đã thu thập và sử dụng thông tin của 50 triệu tài khoản Facebook.

[EU thúc đẩy điều tra Facebook vi phạm quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân]

Có thông tin rằng doanh nghiệp này đã thu thập thông tin trên nhằm phục vụ cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump vào năm 2016.

Trước đó, ngày 20/3, Ủy ban Kỹ thuật số, văn hóa, truyền thông và thể thao thuộc Hạ viện Anh đã yêu cầu nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg trình diện trước cơ quan này để cung cấp bằng chứng về vụ việc.

Do ảnh hưởng vụ bê bối này, cổ phiếu của Facebook đã tiếp tục giảm thêm 2,6% vào chốt phiên 20/3 tại thị trường New York sau khi giảm 6,8% trong ngày giao dịch trước đó. Như vậy, trong 2 ngày qua, giá trị cổ phiếu của Facebook đã sụt giảm 60 tỷ USD.

Facebook cam kết áp dụng mọi chính sách của hãng để bảo mật thông tin cá nhân và sẽ nghiêm túc tìm hiểu sự việc này. Trong khi đó, Cambridge Analytica bác bỏ việc sử dụng dữ liệu với mục đích sai trái, đồng thời khẳng định rằng xóa bỏ toàn bộ dữ liệu của Facebook từ một ứng dụng thứ 3 vào năm 2014, sau khi nhận ra rằng việc sử dụng thông tin này là trái với quy định bảo vệ dữ liệu.

Trong một diễn biến khác, Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ công bố đề xuất về một loại thuế mới đối với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ, bao gồm Facebook, trong ngày 21/3.

Đây là nỗ lực của EU nhằm thắt chặt kiểm soát đối với việc các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ trốn thuế bằng cách đăng ký thu nhập tại các nước châu Âu đánh thuế thấp. Giới chuyên gia cho rằng đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào Facebook, hãng hiện đang đứng giữa tâm bão bê bối tiếp cận trái phép thông tin người dùng, cũng như tác động xấu tới quan hệ thương mại vốn đang căng thẳng giữa Washington và Brussels liên quan tới việc Mỹ áp thuế nhập khẩu cao cho thép và nhôm.

Theo một số nguồn tin, kế hoạch thuế của EU sẽ nhắm chủ yếu vào các các doanh nghiệp Mỹ có doanh thu trên 750 triệu euro/năm (khoảng 924 triệu USD/năm), trong đó bao gồm những cái tên đình đám như Facebook, Google, Twitter, Airbnb và Uber. Bên cạnh đó, EU cũng sẽ đề xuất quy định nghiêm ngặt hơn đối với việc bảo mật dữ liệu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục