Căng thẳng tại khu vực Biển Hoa Đông sau khi Trung Quốc bất ngờ thiết lập "Vùng nhận dàn phòng không" (ADIZ) đã được đẩy lên một nấc mới khi hai máy bay B-52 của Mỹ đã bay vào vùng không phận tranh chấp này mà không thông báo với Bắc Kinh, thách thức tuyên bố của Trung Quốc.
Theo AFP, các chuyến bay này gửi đi lời cảnh báo rõ ràng rằng Washington sẽ không nhượng bộ lập trường cứng rắn của Bắc Kinh ở vùng này. Động thái này cũng là dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ với Nhật Bản, nước đang có quan hệ căng thẳng với Trung Quốc vì tranh chấp chủ quyền đảo trên biển Hoa Đông.
“Tối hôm qua, chúng tôi đã tiến hành các hoạt động huấn luyện được lên kế hoạch từ trước với sự tham gia của hai máy bay từ Guam, rồi trở lại Guam”, người phát ngôn Lầu năm góc, đại tá Steven Warren, nói với các phóng viên.
Dù Trung Quốc khẳng định nước này có quyền giám sát vùng trời trên khu vực quần đảo tranh chấp mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư, còn Nhật Bản gọi là Senkaku, họ không hề công bố kế hoạch bay từ trước và nhiệm vụ của không quân Mỹ đã diễn ra mà “không gặp sự cố nào”, Warren nói.
Hay máy bay này đã có “không tới một giờ đồng hồ” bay trên ADIZ do Trung Quốc đơn phương xác lập và không gặp máy bay nào của Bắc Kinh, theo lời Warren.
Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên xác nhận với AFP rằng hai máy bay Mỹ là máy bay ném bom B-52.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố nước này đã "theo dõi" các máy bay B-52 của Mỹ khi chúng bay vào vùng trời nói trên.
Ông Ban nói rằng căng thẳng cần phải được giải quyết “thông qua đối thoại và thương lượng”.
Theo các quy định đơn phương do Trung Quốc công bố, các máy bay vào vùng này phải tuyên bố trước kế hoạch bay, xác định rõ quốc tịch và duy trì liên lạc vô tuyến hai chiều để đáp lời nhà chức trách Trung Quốc.
Động thái này “sẽ làm gia tăng căng thẳng và rủi ro tính toán sai, đối đầu và các sự cố” trong khu vực, người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói. Australia đã triệu đại sứ Trung Quốc tới để bày tỏ quan điểm trong khi các hãng hàng không Nhật Bản nói họ sẽ không tuân theo luật mới của Trung Quốc.
Pháp và Đức đều bày tỏ quan ngại và hối thúc các bên kềm chế. “Chúng tôi mong muốn một giải pháp hòa bình thông qua đối thoại với tranh chấp này, tương ứng với luật pháp quốc tế”, người phát ngôn Bộ ngoại giao Pháp Romain Nadal nói.
Đáp lại ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc, Mỹ đã tập trung sự chú ý chiến lược sang châu Á, lên kế hoạch mở rộng sự hiện diện quân sự ở khu vực Thái Bình Dương./.