Mỹ đề xuất việc tài trợ cho xuất khẩu năng lượng hạt nhân

Chính quyền Tổng thống Donald Trump hy vọng động thái này sẽ giúp ngành năng lượng hạt nhân của Mỹ cạnh tranh với các công ty nhà nước của Trung Quốc và Nga.
Mỹ đề xuất việc tài trợ cho xuất khẩu năng lượng hạt nhân ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: oilprice.com)

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 11/6, Cơ quan Tài chính Phát triển Quốc tế của Mỹ (DFC) đã đề xuất dỡ bỏ các hạn chế về cung cấp tài chính cho các dự án xuất khẩu năng lượng hạt nhân tiên tiến.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump hy vọng động thái này sẽ giúp ngành năng lượng hạt nhân của Mỹ cạnh tranh với các công ty nhà nước của Trung Quốc và Nga.

DFC đã bắt đầu lấy ý kiến trong vòng 30 ngày đối với đề xuất trên, theo đó sẽ thay đổi định nghĩa về năng lượng tái tạo và định nghĩa này sẽ bao gồm năng lượng hạt nhân.

[Sẽ nổ ra cuộc chiến về năng lượng hạt nhân giữa Nga và Mỹ?]

Đề xuất trên cũng đã được đưa vào báo cáo về cách thức hiện đại hóa chính sách năng lượng hạt nhân của Nhóm công tác nhiên liệu hạt nhân của chính quyền Tổng thống Trump được công bố hồi tháng 4 vừa qua.

Theo DFC, việc dỡ bỏ các hạn chế về tài chính cho các dự án xuất khẩu năng lượng hạt nhân tiên tiến có thể giúp cung cấp năng lượng an toàn cho các nước đang phát triển, đồng thời có thể thúc đẩy các biện pháp của Mỹ bảo đảm không phổ biến hạt nhân cũng như hỗ trợ khả năng cạnh tranh hạt nhân của Mỹ.

Giới kinh doanh của Mỹ cũng cho rằng việc dỡ những hạn chế này sẽ cho phép Mỹ cạnh tranh và hỗ trợ các nước đang phát triển xây dựng các mạng lưới điện, các nhà máy khử mặn và thực hiện những mục tiêu khác.

Cũng theo DFC, chi phí cho việc phát triển năng lượng hạt nhân tiên tiến dự kiến sẽ rẻ hơn so với chi phí phát triển năng lượng hạt nhân truyền thống vốn tiêu tốn của Mỹ hàng chục tỷ USD.

Tuy nhiên, các chuyên gia về không phổ biến hạt nhân cảnh báo các nhà máy và chuỗi cung ứng loại năng lượng này có thể sẽ trở thành mục tiêu của các vụ tấn công khủng bố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục