Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã quyết định rút khỏi đàm phán với các quan chức Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề áp thuế dịch vụ kỹ thuật số sau khi hai bên không đạt được tiến triển nào.
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã xác nhận thông tin trên, đồng thời nhấn mạnh vẫn cần một cơ chế quốc tế để giải quyết các vấn đề về thuế trong bối cảnh các cuộc đàm phán với các nước châu Âu không mang lại kết quả.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Tài chính Monica Crowley cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đề xuất hoãn các cuộc đàm phán về thuế kỹ thuật số quốc tế tại Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) trong bối cảnh chính phủ các nước trên thế giới đang tập trung nỗ lực chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và từng bước mở cửa lại các nền kinh tế.
Trước đó, hãng AFP (Pháp) đưa tin Bộ trưởng Mnuchin đã yêu cầu hoãn các cuộc đàm phán về thuế kỹ thuật số với Pháp, Tây Ban Nha, Anh và Italy trong một bức thư gửi các nước này vào ngày 12/6 vừa qua.
[Mỹ sẽ điều tra các loại thuế dịch vụ kỹ thuật số ở nước ngoài]
Tháng Một vừa qua, 137 nước nhất trí sẽ nỗ lực đạt thỏa thuận toàn cầu về áp thuế kỹ thuật số vào cuối năm 2020 dưới sự bảo trợ của OECD.
Tuy nhiên, sự bùng phát của dịch COVID-19 đã khiến các bộ trưởng tài chính của các nước tham gia đàm phán phải tập trung giải quyết những khó khăn kinh tế.
Trong thời gian qua, năm "đại gia" Mỹ là Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft với biệt danh "Big Five" (5 ông lớn) đã thống trị lĩnh vực kỹ thuật số toàn cầu.
Dù lợi nhuận khổng lồ chảy vào túi các tập đoàn này, song Liên minh châu Âu (EU) ghi nhận họ chỉ trả bình quân 9% thuế trên lợi nhuận so với 23% của các công ty khác.
Để tránh nộp thuế cao, năm tập đoàn này còn tìm đến các "thiên đường trốn thuế" hoặc chuyển lợi nhuận qua các nước áp thuế thấp như Ireland.
Trong bối cảnh các quy tắc thuế hiện hành đã lỗi thời và thế giới chưa có thỏa thuận quốc tế về thuế, một số nước châu Âu đã chọn giải pháp xây dựng luật thuế kỹ thuật số riêng mà đi đầu là Pháp./.