Nhằm giảm số người mắc và tử vong do các bệnh về tim mạch, ngày 7/11, các nhà hành pháp Mỹ đã đề xuất loại bỏ chất béo chuyển hóa trong các loại thực phẩm phổ biến như bơ thực vật, bỏng ngô, bánh pizza đông lạnh.
Đề xuất của Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) yêu cầu các hãng chế biến thực phẩm giảm lượng chất béo trong các sản phẩm của mình, đặc biệt là các chất béo chuyển hóa và tiến tới loại bỏ hoàn toàn chất này để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Nếu được chấp thuận, đề xuất này của FDA sẽ có hiệu lực sau 60 ngày để nhận tiếp nhận các ý kiến phản hồi của các hãng chế biến thực phẩm để điều chỉnh phù hợp với thực tế và giúp các hãng có thời gian điều chỉnh công thức chế biến.
Theo FDA, kể từ khi luật yêu cầu các nhà sản xuất công bố hàm lượng chất béo chuyển hóa trong bảng thông tin dinh dưỡng của các sản phẩm có hiệu lực hồi năm 2006, lượng chất béo chuyển hóa nạp vào cơ thể của người tiêu dùng Mỹ đã giảm từ mức 4,6g/ngày năm 2003 xuống còn 1g/ngày vào năm 2012.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng chính quyền vẫn cần tới các biện pháp tuyên truyền và mang tính bắt buộc mạnh mẽ hơn để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và các nhà sản xuất về chất béo chuyển hóa trong thực phẩm.
Theo tính toán, giảm hàm lượng chất béo chuyển hóa trong dinh dưỡng hàng ngày có thể ngăn chặn thêm được 20.000 cơn đau tim và 7.000 trường hợp tử vong do các bệnh tim mạch mỗi năm tại Mỹ.
Chất béo tự nhiên có trong nhiều thực phẩm như sữa tươi, thịt bò, thịt cừu nhưng ở một lượng rất nhỏ nên không đáng ngại. Trong khi đó, chất béo chuyển hóa nhân tạo do các tập đoàn chế biến thực phẩm tạo ra có thể giúp bảo quản thực phẩm trong thời gian dài và làm cho thực phẩm trở nên hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, đây là một trong những thủ phạm gây nên các bệnh về tim mạch do chúng có thể đông đặc lại trong máu, tạo thành những vảy mỡ bám vào mạch máu.../.