Mỹ: Đề xuất áp dụng bỏ phiếu từ xa lần đầu tiên trong lịch sử

67 nghị sỹ Mỹ đã gửi một bức thư bày tỏ ủng hộ hình thức bỏ phiếu từ xa để thông qua các quyết định của Quốc hội trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Vote au Pluriel)

67 nghị sĩ Mỹ ngày 23/3 đã gửi một bức thư bày tỏ ủng hộ hình thức bỏ phiếu từ xa để thông qua các quyết định của Quốc hội trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Mỹ, khiến một số thành viên Quốc hội phải tự cách ly tại nhà hoặc tại bệnh viện.

Với sự nhất trí của các nghị sỹ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, bức thư kêu gọi Ủy ban Thẩm tra các dự luật của Hạ viện cho phép bỏ phiếu từ ngoài phòng họp trong thời gian áp dụng tình trạng khẩn cấp. Nếu được chấp thuận, đây sẽ là lần đầu tiên truyền thống bỏ phiếu tại Đồi Capitol trong 2 thế kỷ qua được miễn thực thi.

Theo các quy định lâu đời tại Mỹ, mọi cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội phải được thực hiện với sự có mặt của các nghị sỹ, dù đã có công nghệ bỏ phiếu qua điện thoại trong hai thập kỷ qua. Nhưng các diễn biến dịch COVID-19 thời gian qua đã cho thấy rõ các nguy cơ khi buộc hàng chục nghị sĩ phải tập trung trong một phòng họp kín.

Gần đây, các biện pháp trên đã được áp dụng khẩn cấp tại Thượng viện và Hạ viện Mỹ, khi 3 nghị sỹ có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và ít nhất một chục nghị sĩ phải tự cách ly vì có tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh. Sự vắng mặt của 2 thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa do phải cách ly đã đặt thế đa số của phe Cộng hòa tại Thượng viện trở nên mong manh (với tỷ lệ chỉ còn 48-47) và có thể gây nguy hiểm cho các dự luật quan trọng nhằm giải cứu nền kinh tế Mỹ trước các tác động của dịch. Tổng thống Donald Trump đã bày tỏ ủng hộ hình thức bỏ phiếu từ xa "trên cơ sở tạm thời."

[Bầu cử Mỹ 2020: Ông Bernie Sanders bác tin dừng chiến dịch tranh cử]

Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Lindsey Graham bày tỏ trên mạng Twitter: "Tôi hoàn toàn ủng hộ ý tưởng bỏ phiếu từ xa để Thượng viện có thể tiếp tục hoạt động trong thời gian khủng hoảng," nhất là trong bối cảnh Quốc hội đang cân nhắc các hạn chế mới đối với các cuộc họp ở Đồi Capitol. Ông cũng kêu gọi Quốc hội sớm đưa ra quyết định về việc này, trước khi các thượng nghị sỹ rời trụ sở nhân kỳ nghỉ Phục sinh vào đầu tháng 4 tới.

Trong khi đó, nữ nghị sỹ Kathleen Rice, một trong số các nghị sĩ Dân chủ ủng hộ thay đổi trên, viết trên Twitter: "Quốc hội phải được phép bỏ phiếu từ xa để chúng tôi được an toàn và nhanh chóng thông qua luật nhằm chống đại dịch COVID-19 và cung cấp các hỗ trợ cho những người đang rất cần được hỗ trợ."

Người đứng đầu bức thư nói trên, nghị sỹ đảng Dân chủ Eric Swalwell cho biết: "Chúng ta cần tạo ra một cơ chế để Quốc hội có thể hoạt động trong thời khủng hoảng mà không cần hội họp tại một địa điểm". Tuần trước, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng đã kêu gọi Ủy ban Thẩm tra các dự luật nghiên cứu vấn đề này.

Theo số liệu mới nhất vừa công bố sáng 24/3 (theo giờ Việt Nam), Mỹ đã ghi nhận thêm 132 trường hợp tử vong vì mắc bệnh COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên ít nhất 545 người.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 23/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết Lầu Năm Góc đang chuẩn bị triển khai các bệnh viện dã chiến đến hai thành phố New York và Seattle vào cuối tuần này. Ông Esper cho biết 5 đơn vị đã được sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cân nhắc triển khai những lực lượng tương tự tới các địa phương khác nếu cần thiết, bao gồm bệnh viện, thiết bị và các chuyên gia y tế.

Hai tiểu bang Washington và New York được xác định là những khu vực có các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều nhất tại Mỹ hiện nay. Những nỗ lực khác của Lầu Năm Góc trong việc giải quyết dịch bệnh này còn bao gồm việc triển khai một tàu bệnh viện của Hải quân ở thành phố San Diego đến Los Angeles để giúp giảm tải các cơ sở y tế dự kiến sẽ bị quá tải bởi các bệnh nhân COVID-19.

Bộ trưởng Esper cũng thông báo rằng mức độ bảo vệ y tế của Lầu Năm Góc đã được nâng cấp lên mức cao thứ hai. Ông thừa nhận rằng đại dịch COVID-19 có thể ảnh hưởng đến sự sẵn sàng của quân đội Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục