Mỹ để ngỏ thời điểm công bố "Thỏa thuận thế kỷ" về hòa bình Trung Đông

Theo một số quan chức Mỹ, kế hoạch hòa bình Trung Đông có xu hướng ủng hộ "một Palestine tự trị" và tự quản lý, nhưng không đề cập đến việc ủng hộ thành lập một nhà nước Palestine.
Mỹ để ngỏ thời điểm công bố "Thỏa thuận thế kỷ" về hòa bình Trung Đông ảnh 1Đặc phái viên Nhà Trắng phụ trách vấn đề Trung Đông Jason Greenblatt. (Ảnh: AP)

Ngày 28/8, đặc phái viên Nhà Trắng phụ trách vấn đề Trung Đông, ông Jason Greenblatt cho biết Mỹ sẽ không công bố phần chính trị trong kế hoạch hòa bình Trung Đông, còn có tên gọi là "Thỏa thuận thế kỷ", trước thời điểm Israel tổ chức bầu cử vào ngày 17/9 tới.

Theo các nhà phân tích, động thái của Mỹ dường như nhằm mục đích tránh can thiệp vào các cuộc bầu cử sắp diễn ra tại Israel, trong đó vị thế lãnh đạo của Thủ tướng Benjamin Netanyahu (vốn là một đồng minh thân cận của Tổng thống Mỹ Donald Trump) đang bị đe dọa. 

Sau cuộc bầu cử Quốc hội ngày 9/4 vừa qua, 65 nghị sỹ trong Quốc hội gồm 120 ghế của Israel đã đồng ý giới thiệu Thủ tướng đương nhiệm Netanyahu tiếp tục giữ chức vụ này và thành lập chính phủ liên minh mới.

Tuy nhiên, ông Netanyahu đã thất bại trong việc thành lập một chính phủ liên minh chiếm đa số ghế trong Quốc hội, sau khi cựu Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor Liberman từ chối tham gia liên minh.

Để tránh trường hợp Tổng thống Israel trao quyền thành lập chính phủ liên minh mới cho một nghị sỹ khác, ông Netanyahu đã tập hợp được sự ủng hộ trong quốc hội để giải tán cơ quan lập pháp vào ngày 30/5 và ấn định thời điểm bầu cử mới là ngày 17/9 tới.

[Liên hợp quốc cảnh báo tình hình Dải Gaza đang 'rất mong manh']

Trước đó, ngày 26/8, Tổng thống Trump cho biết Washington có thể công bố kế hoạch hòa bình Trung Đông trước cuộc bầu cử của Israel. Đến thời điểm hiện nay, chính quyền Mỹ vẫn giữ bí mật về phần chính trị của kế hoạch, trong khi đã công bố phần kinh tế tại hội nghị kinh tế do Mỹ tổ chức tại Bahrain vào ngày 25-26/6 vừa qua. Phần kinh tế đề xuất khoản đầu tư 50 tỷ USD vào Bờ Tây, Dải Gaza, Jordan, Ai Cập và Liban.

Chính quyền Palestine phản đối kế hoạch của Mỹ khi cho rằng kế hoạch này thiên vị Israel, đồng thời tẩy chay hội nghị kinh tế tại Bahrain nêu trên. Phía Palestine cũng đã cắt quan hệ với chính quyền Mỹ, sau khi Tổng thống Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về thành phố này tháng 5/2018.

Nhằm gây sức ép buộc Palestine chấp nhận đàm phán về kế hoạch hòa bình Trung Đông, chính quyền Mỹ hồi tháng 8 năm ngoái đã chấm dứt mọi sự tài trợ dành cho Cơ quan Cứu trợ người tị nạn Palestine của LHQ (UNRWA), đồng thời cắt giảm gần 200 triệu USD cho việc thực hiện các dự án nhân đạo tại Bờ Tây và Dải Gaza.

Đến nay chưa có thông tin nào về cách thức kế hoạch hòa bình sẽ giải quyết những vấn đề chủ chốt trong xung đột Israel và Palestine như khả năng thành lập một nhà nước Palestine độc lập, vấn đề Israel kiểm soát Bờ Tây và quyền hồi hương của người Palestine tị nạn.

Một số quan chức Mỹ tham gia soạn thảo kế hoạch hòa bình cho biết, kế hoạch này có xu hướng ủng hộ "một Palestine tự trị" và tự quản lý, nhưng không đề cập đến việc ủng hộ thành lập một nhà nước Palestine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục