Mỹ để ngỏ quy chế miễn trừ khi tái áp đặt trừng phạt Iran

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ có thể sẽ cấp quy chế miễn trừ cho một số quốc gia, cho phép họ tiếp tục nhập khẩu dầu thô từ Iran khi các đòn trừng phạt có hiệu lực trở lại từ tháng 11.
Mỹ để ngỏ quy chế miễn trừ khi tái áp đặt trừng phạt Iran ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: APN Live)

Theo hãng Reuters, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây cho biết Mỹ có thể sẽ cấp quy chế miễn trừ cho một số quốc gia, cho phép họ tiếp tục nhập khẩu dầu thô từ Iran khi các đòn trừng phạt có hiệu lực trở lại từ tháng 11 tới.

Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Sky News Arabia hôm 10/7, ông nói: “Sẽ có nhiều quốc gia yêu cầu Mỹ nới lỏng quy định. Chúng tôi sẽ cân nhắc điều này.”

Trong cuộc trao đổi với báo giới, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao đã hé lộ một số chi tiết của cuộc gặp giữa các nhà ngoại giao Mỹ với những người đồng cấp Saudi Arabia. Quan chức đề nghị giấu tên này nói: “Chúng tôi đã thảo luận về việc duy trì thị trường dầu mỏ dồi dào để tránh mọi rủi ro và gián đoạn…

[Mỹ thúc giục Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trừng phạt Iran]

Chúng tôi đã tham vấn và thảo luận về các biện pháp trừng phạt trong ngành dầu mỏ nhằm ngăn Iran kiếm lợi nhuận để đầu tư cho chủ nghĩa khủng bố. Chúng tôi đã nói về việc hạn chế tối đa những biến động trên thị trường và giúp các đối tác tìm kiếm nguồn cung dầu mỏ khác ngoài Iran.”

Hiện vẫn chưa rõ liệu các bình luận mới nhất của Ngoại trưởng Pompeo và quan chức giấu tên kể trên có phản ánh lập trường mềm mỏng hơn của Chính quyền Mỹ hay không.

Trong các cuộc họp báo từ đầu tháng, giới chức chính quyền đều nêu rõ mục tiêu là hạn chế hoàn toàn hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran, với hiệu lực dự kiến bắt đầu từ tháng 11 tới.

Ngày 2/7, Brian Hook, Giám đốc phụ trách chính sách của Bộ Ngoại giao, nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ không cấp phép hay trao quy chế miễn trừ trên diện rộng khi tái áp đặt các đòn trừng phạt, bởi chúng tôi tin rằng áp lực là yếu tố quan trọng để đạt được các mục tiêu an ninh quốc gia của mình.”

Tuy nhiên, chính quyền cũng tiết lộ với báo giới rằng họ sẽ xem xét các đề nghị miễn giảm theo cơ chế từng trường hợp một, và phối hợp với các quốc gia đang giảm nguồn nhập khẩu dầu từ Iran.

Tình hình hiện tại cho thấy các đòn trừng phạt gần như chắc chắn sẽ được khôi phục vào ngày 4/11 tới song Mỹ sẽ “cân nhắc” đề nghị của “một số” quốc gia về việc tiếp tục được nhập khẩu dầu thô từ nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Nhượng bộ này có thể đảm bảo rằng Iran vẫn xuất khẩu được một phần dầu thô ra thị trường thế giới, tương tự những gì từng diễn ra trong các đòn trừng phạt trước có hiệu lực trong giai đoạn từ 2012-2015.

Tuy nhiên, nhiều người hoài nghi khả năng Saudi Arabia và các nhà sản xuất khác có thể tăng sản lượng đủ để bù đắp khoảng 2,4 triệu thùng dầu/ngày do Iran xuất khẩu nếu các đòn trừng phạt chặn đứng ngành hàng này.

Thực tế, các quy chế miễn trừ và ngoại lệ cho phép Iran bán một phần dầu thô có thể là cách duy nhất để vừa áp dụng lệnh trừng phạt vừa không khiến giá dầu trên thị trường thế giới tăng đột ngột.

Giá dầu tăng ở thời điểm này sẽ là yếu tố cực kỳ nhạy cảm bởi thời hạn Mỹ tái áp đặt các đòn trừng phạt lại trùng với các cuộc bầu cử giữa nhiệm vào ngày 6/11 tới.

Dù nhiều quan chức cấp cao của Mỹ đã đưa ra không ít tuyên bố và báo cáo tóm tắt song chính sách của chính quyền về các đòn trừng phạt và nguồn cung dầu mỏ là điều vẫn chưa rõ ràng.

Sự mập mờ này rất có thể là để gia tăng áp lực đối với Iran, song lại khiến thị trường dầu mỏ bất an về nguồn cung trong tương lai, vô hình trung tạo áp lực cho giá cả.

Các nhà buôn, các công ty lọc dầu và các quỹ đầu cơ sẽ khó có được bức tranh cụ thể về số lượng dầu mỏ trên thị trường từ nay đến cuối năm và thậm chí là trong cả năm tới. Những bất ổn này đang trực tiếp ảnh hưởng tới giá dầu trên thị trường thế giới.

Các nhân tố tham gia thị trường cần Bộ Ngoại giao làm rõ một số vấn đề then chốt.

Thứ nhất, nếu mục tiêu của chính quyền không phải là chặn đứng toàn bộ hoạt động xuất khẩu dầu của Iran, số lượng dầu thô mà Mỹ cho phép các đối tác của nước này thu mua mà không chịu hình phạt tài chính là bao nhiêu?

Thứ hai, nếu có các hình thức miễn trừ, các quốc gia hay doanh nghiệp nào sẽ được nằm trong danh sách ấy, và cơ sở để xác định việc được hưởng các ưu đãi này là gì, hay có đi kèm điều kiện nào hay không?

Thứ ba, Mỹ đã đạt thỏa thuận với Saudi Arabia (hay Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Kuwait và Nga) để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ việc thiếu nguồn cung từ Iran hay chưa?

Và thứ tư, quyết định áp đặt trừng phạt, và cấp quy chế miễn trừ này có được Mỹ tham vấn Liên minh châu Âu (nhất là Pháp, Đức, Anh) hay Nga và Trung Quốc?

Khi các đòn trừng phạt được áp dụng từ năm 2012 tới tận đầu năm 2016, Iran vẫn được phép xuất khẩu khoảng 1 triệu thùng dầu mỗi ngày, chủ yếu là cho các khách hàng tại châu Á. Nếu Mỹ tiếp tục cho phép khối lượng xuất khẩu tương tự khi áp dụng vòng trừng phạt mới, Iran sẽ phải giảm sản lượng xuất khẩu khoảng 1,5 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, chính quyền tại Washington chưa có bất kỳ tín hiệu nào về việc cân nhắc hạn mức này.

Các doanh nghiệp lọc dầu tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ trước đây nằm trong số các đối tác được nhập khẩu một lượng giới hạn dầu thô của Iran mà không bị Mỹ trừng phạt.

Trong hầu hết các trường hợp, quy chế miễn trừ được trao cho các nước này với điều kiện họ phải giảm dần số lượng nhập khẩu theo thời gian. Cũng chưa có bất kỳ thông tin nào về các nước có thể được xem xét miễn giảm cũng như các điều kiện liên quan.

Các đòn trừng phạt của Mỹ càng cứng rắn, nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ của Iran càng bị thu hẹp, và vì vậy các cường quốc bên ngoài lại càng phải tìm kiếm những khích lệ về kinh tế để thuyết phục Iran tuân thủ thỏa thuận ký năm 2015, thỏa thuận mà Mỹ gần đây đã đơn phương rút khỏi.

Có thể sẽ có những tác động nhất định giữa một bên là việc xét quy chế miễn trừ giữa Mỹ và khách hàng mua dầu của Iran với một bên là các cuộc đàm phán mà châu Âu, Nga và Trung Quốc đang tiến hành với Iran./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục