Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, ngày 28/11, Mỹ đã đe dọa áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đối với chính phủ Nam Sudan nếu như nước này không chấm dứt tình trạng bạo lực và cho phép các binh sỹ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc làm công việc của mình.
Tuy nhiên, đề xuất của Mỹ chưa chắc đã được thông qua tại Liên hợp quốc do sự phản đối của Nga.
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an, một tháng sau khi có chuyến công du tới Nam Sudan và gặp Tổng thống Salva Kiir ở thủ đô Juba, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, bà Nikki Haley, tuyên bố: "Chỉ dùng lời lẽ thôi là không đủ. Mỹ sẵn sàng theo đuổi các biện pháp bổ sung nhằm vào chính phủ - hoặc bất kỳ bên nào - nếu họ không hành động để chấm dứt bạo lực tại Nam Sudan."
Tuy nhiên, bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ nhằm thuyết phục Hội đồng Bảo an thông qua những biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nam Sudan đều có khả năng vấp phải phiếu phủ quyết của Nga.
Hồi năm 2015, Hội đồng Bảo an đã trừng phạt một số quan chức cấp cao của Nam Sudan ở cả hai bên xung đột, song nỗ lực của Mỹ nhằm áp đặt lệnh cấm vận vũ khí vào tháng 12/2016 đã thất bại.
Phó Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc ông Petr Iliichev cảnh báo rằng sẽ là phản tác dụng nếu áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào những mục tiêu cụ thể, hay áp đặt lệnh cấm vận vũ khí vì những biện pháp như vậy sẽ không giúp ích cho việc phá vỡ thế bế tắc mà chỉ càng khiến cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng.
Nam Sudan giành độc lập sau khi tách ra từ Sudan vào năm 2011 nhưng lại rơi vào cuộc nội chiến kể từ năm 2013 sau khi Tổng thống Salva Kiir bãi nhiệm Phó Tổng thống Riek Machar.
Cuộc xung đột hiện tại đã khiến Nam Sudan rơi vào tình trạng đói kém nghiêm trọng, làm tê liệt các dịch vụ công và buộc ít nhất 4 triệu người - chiếm hơn 1/4 dân số - phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn./.