Ngày 31/3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch chi tiêu khổng lồ trị giá gần 2.000 tỷ USD nhằm hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Kế hoạch này cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy lợi thế cạnh tranh của Mỹ trên trường quốc tế và tạo ra nhiều việc làm với mức lương cao cho tầng lớp trung lưu.
Trang mạng tạp chí The National Interest nhận định rằng kế hoạch này không khác gì một thảm họa đối với đất nước. Cùng bình luận về vấn đề này, trang mạng tờ Thời báo Hoàn Cầu cho rằng kế hoạch này cho thấy Wahington đang "lầm đường lạc lối" trong cuộc cạnh tranh với Bắc Kinh.
Phát biểu tại thành phố Pittsburgh, Tổng thống Biden khẳng định: “Đây là kế hoạch đầu tư một lần duy nhất trong một thế hệ ở Mỹ và không giống bất kỳ kế hoạch nào mà chúng ta từng chứng kiến kể từ khi Mỹ xây dựng được những hệ thống tàu cao tốc liên bang và tham gia cuộc đua vũ trụ từ hàng chục năm trước đây.”
Theo nửa phần đầu tiên của kế hoạch, phần lớn số vốn đầu tư sẽ dành cho hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông, một phần sẽ đầu tư phát triển các loại phương tiện chạy bằng điện và xây dựng hệ thống sạc điện, hiện đại hóa mạng lưới điện quốc gia, phòng nghiên cứu mới về biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, kế hoạch này cũng tính đến đầu tư cho các dự án năng lượng sạch với mục tiêu đưa Mỹ trở thành nước phát thải khí carbon về bằng 0 đến năm 2050.
Đây là gói chi tiêu khổng lồ thứ hai mà chính quyền Tổng thống Biden đề xuất kể từ khi lên nắm quyền, sau gói hỗ trợ trị giá 1.900 tỷ USD nhằm khắc phục những hậu quả do đại dịch COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, kế hoạch này hiện đang vấp phải sự phản đối của đảng Cộng hòa khi cho rằng để có được số tiền trên, Tổng thống Biden phải đề xuất mức thuế cao mới đánh vào các doanh nghiệp và tập đoàn.
[Cuộc chiến giành nhân tài: Khía cạnh mới trong cạnh tranh Mỹ-Trung?]
Theo họ, điều này sẽ làm chỉ làm suy yếu nền kinh tế của Mỹ trong giai đoạn bắt đầu phục hồi. Những nghị sỹ Dân chủ bảo thủ cũng lo ngại kế hoạch chi tiêu này có thể khiến Mỹ "oằn mình" hơn vì nợ quốc gia vốn đang chiếm 130% GDP.
Theo đánh giá trên tạp chí The National Interest, kế hoạch chi tiêu trên bộc lộ 2 sai lầm nghiêm trọng. Thứ nhất, kế hoạch này sẽ đồng nghĩa với mức thuế của Mỹ sẽ tăng cao nhất trong lịch sử thời bình của nước này. Thứ hai, kế hoạch chi tiêu này gắn với những mục tiêu cải thiện cơ sở hạ tầng và vấn đề biến đổi khí hậu không liên quan gì đến nhánh lập pháp và bản thân những mục tiêu này không thực chất.
Trên đây là những tranh cãi nội bộ liên quan sáng kiến trên của ông Biden. Ở góc độ quốc tế, đề xuất này vấp phải sự mỉa mai của Trung Quốc thông qua một bài viết trên Thời báo Hoàn Cầu.
Bài viết trích dẫn một phần phát biểu của ông Biden tại Pittsburgh rằng khoản đầu tư này sẽ "giúp Mỹ chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu trong những năm tới."
Hồi tháng 9/2010, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đề xuất kế hoạch đầy tham vọng nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông của Mỹ, song rốt cuộc không thực hiện được đề xuất này trong suốt hai nhiệm kỳ của mình.
Ông Donald Trump cũng hơn gì ông Obama. Đến lượt mình, ông Biden đã công bố nỗ lực lần thứ ba. Mặc dù được đánh giá là một kế hoạch chi tiết cụ thể và thể hiện thái độ nghiêm túc nhất để triển khai nó, song kế hoạch này vẫn vấp phải sự phản đối của phe Cộng hòa.
Ông Trump chỉ trích kế hoạch này chẳng khác nào "cho không Trung Quốc," đồng thời lập luận rằng số vốn có được nhờ tăng thuế sẽ rốt cuộc trở thành "gậy ông đập lưng ông" đối với Mỹ vì người dân Mỹ sẽ để mất công ăn việc làm vào tay lao động nước ngoài.
Báo Trung Quốc tiếp tục phân tích rằng trong bối cảnh chính trị nội bộ Mỹ ngày càng chia rẽ sâu sắc, càng nhiều mối quan tâm đổ vào kế hoạch này thì đấu tranh chính trị nội bộ càng thừa cơ hội để bùng nổ. Khi đó, điều này tạo ra rào cản đạt được mục tiêu kế hoạch. Đây chính là gốc rễ đối với vấn đề chia rẽ chính trị tại Mỹ. Để triển khai kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, động lực nội bộ trong xã hội Mỹ cần lớn hơn sự phản đối của các nhóm lợi ích. Thế nhưng, đây không phải trường hợp đối với Mỹ.
Việc viện lý do "đánh bại Trung Quốc" để thúc đẩy kế hoạch này lại không phải là cách thức phù hợp mà chỉ khiến Mỹ khó có thể thực hiện được kế hoạch này.
Bài viết đặt câu hỏi liệu Trung Quốc đã bao giờ tính toán đến cạnh tranh với Mỹ khi phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại của mình hay không? Đó hoàn toàn là chương trình nghị sự quốc gia của Trung Quốc vốn xuất phát từ động lực đầu tư mạnh mẽ và sự ủng hộ của người dân trong nước.
Trong khi đó, Mỹ hằn sâu Trung Quốc trong tâm trí ngay cả với chính sách trong nước, dán nhãn an ninh quốc gia cho những chính sách này và chỉ trích Bắc Kinh nếu như nước này gặp phải bất kỳ tụt hậu nào về công nghiệp. Dần dần, Mỹ sẽ mắc hội chứng chống Trung Quốc và nhắm vào bất kỳ mục tiêu nào với lý do vì chống Trung Quốc.
Theo đó, Washington sẽ gắn các yếu tố chống Trung Quốc trong quá trình hoạt định chính sách nội bộ của mình. Điều này sẽ chỉ khiến Mỹ lầm đường lạc lối trong quá trình triển khai và đạt được mục tiêu cũng như trong lộ trình phát triển của mình.
Trong những đoạn tiếp theo thể hiện quan điểm hòa dịu với Washington, bài viết lập luận rằng nếu Washington trước đây đã có thể đặt mối quan tâm của mình vào những vấn đề khác, nước này có lẽ đã không phóng đại thuyết "mối đe dọa Trung Quốc" nhiều đến mức như nước này đang hô hào hiện nay. Mỹ sẽ thấy rằng lợi ích mà hợp tác Mỹ-Trung Quốc đem lại sẽ lớn hơn cuộc cạnh tranh có tổng bằng 0 với Trung Quốc./.