Mỹ: Đàm phán chấm dứt đình công của các diễn viên Hollywood thất bại

Trong tuyên bố tối 11/10 (theo giờ địa phương), các hãng phim cho biết sẽ tạm dừng đàm phán với các diễn viên vì quan điểm hai bên quá khác biệt khiến thương lượng không còn đi theo hướng hiệu quả.
Các hãng phim sẽ tạm dừng đàm phán vì quan điểm hai bên quá khác biệt. (Ảnh: Getty Images)

Đàm phán giữa diễn viên và các hãng phim tại Hollywood về cuộc đình công hiện nay đã thất bại, là đòn giáng mạnh vào hy vọng nhanh chóng chấm dứt cuộc khủng hoảng làm tê liệt ngành giải trí Mỹ thời gian qua.

Kể từ tuần trước, Liên minh các Nhà sản xuất Điện ảnh và Truyền hình Mỹ (AMPTP) - bên đứng ra thương lượng cho các hãng phim Hollywood như Walt Disney, Netflix - đã thường xuyên gặp gỡ và thảo luận về vấn đề đình công với Hiệp hội Diễn viên Màn ảnh (SAG-AFTRA) - đại diện cho các diễn viên tham gia làn sóng đình công hồi tháng 7.

Trong tuyên bố tối 11/10 (theo giờ địa phương), các hãng phim cho biết sẽ tạm dừng đàm phán vì quan điểm hai bên quá khác biệt khiến thương lượng không còn đi theo hướng hiệu quả.

Vài giờ sau đó, SAG-AFTRA cáo buộc các hãng phim chèn ép và đưa thông tin sai lệch nhằm gây sức ép khi đàm phán.

SAG-AFTRA khẳng định đã rất thiện chí dù các hãng phim đưa ra đề xuất thấp hơn so với trước khi tiến hành đình công. Hiệp hội này cho rằng đề nghị mà các hãng hàng phim đưa ra là không thực tế.

Đại diện cho diễn viên trong các cuộc đàm phán đã kêu gọi cải thiện tiền lương, minh bạch hơn khoản lợi nhuận từ các chương trình phát trực tuyến (streaming) ăn khách, cũng như có biện pháp bảo vệ diễn viên và nhân viên trước xu hướng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

AI được coi là vấn đề mấu chốt khi nhiều diễn viên bày tỏ quan ngại rằng công nghệ này sẽ sao chép hình dáng, giọng nói của họ để sử dụng vĩnh viễn mà không cần được đồng ý hay phải đền bù. 

Đáp lại, các hãng phim nhấn mạnh đã đề xuất nhiều biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt như yêu cầu diễn viên “đồng ý trước,” hay giới hạn việc sử dụng liên tục hình ảnh “bản sao” của diễn viên trừ khi họ đồng ý và được trả thù lao.

Các hãng phim cũng cho rằng SAG-AFTRA đòi hỏi quá đáng khi yêu cầu chia sẻ doanh thu từ các chương trình phát trực tuyến, kéo theo khoản chi phí lên tới hơn 800 triệu USD/năm.

Tuy nhiên, phía SAG-AFTRA khẳng định đề xuất chia sẻ doanh thu này thực tế chỉ tương đương mức phí chưa tới 0,57 USD/thuê bao mỗi năm.

[Giới biên kịch Hollywood thông qua thỏa thuận mới với các hãng phim]

Trước đó, vào ngày 9/10, giới biên kịch Hollywood đã thông qua thỏa thuận mới với các hãng phim, qua đó chấm dứt một trong những cuộc đình công lâu nhất từ trước đến nay trong ngành điện ảnh.

Tuy nhiên, kể cả khi giới biên kịch quay trở lại làm việc, hầu hết hoạt động sản xuất phim và truyền hình sẽ tiếp tục bị đình trệ cho tới khi các yêu cầu của SAG-AFTRA được giải quyết.

Điều này sẽ khiến ngành giải trí và người lao động thiệt hại tới hàng triệu USD mỗi ngày.

Bất chấp những tranh cãi, SAG-AFTRA cho biết vẫn sẵn sàng thảo luận, trong khi đại diện các hãng phim hy vọng SAG-AFTRA sẽ xem xét và sớm quay lại các cuộc đàm phán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục