Đa số các ngân hàng Mỹ đã vượt qua đợt sát hạch mới nhất về năng lực ứng phó trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính tương tự cuộc suy thoái giai đoạn 2008-2009.
Đây là kết luận của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong báo cáo công bố ngày 20/3.
Theo Fed, 29 trong tổng số 30 ngân hàng lớn tại Mỹ được đánh giá đã trở lại "thể trạng" tốt hơn sau cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua.
Kết quả sát hạch cho thấy đa số các ngân hàng lớn của Mỹ có khả năng tiếp tục duy trì mức vốn đầy đủ nếu kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, với tỷ lệ vốn cấp một - thước đo chuẩn nhất năng lực vượt qua được một cuộc khủng hoảng tài chính của một ngân hàng - ở mức trung bình 7,8% sau khi khấu trừ vốn cho cổ đông.
Mặc dù tỷ lệ vốn cấp một của các ngân hàng này giảm so với mức 11,5% của quý 3/2013 song vẫn cao hơn mức 5% tối thiểu.
American Express, Bank of New York Mellon, Fifth Third Bank, Nothern Trust và State Street là năm ngân hàng có kết quả sát hạch tốt nhất, với tỷ lệ vốn cấp một đều vượt xa mức trung bình.
Trong khi đó, Zions Bancorp là ngân hàng duy nhất không vượt qua được bài sát hạch khi tỷ lệ vốn cấp một của họ chỉ ở mức 3,5%.
Trong bài sát hạch, Fed đưa ra kịch bản xấu nhất về một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm xuống còn 4,75%, giá chứng khoán giảm 50%, giá nhà đất giảm 25% và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 11,25% so với mức 6,7% hiện nay.
Fed cũng đưa ra tình huống giả định 8 trong số 30 ngân hàng nói trên bị các đối tác lớn "xù nợ". Theo kịch bản này, Fed ước tính 30 ngân hàng lớn sẽ thiệt hại hơn 500 tỷ USD trong chín tháng.
Chủ tịch Hiệp hội các ngân hàng Mỹ, ông Frank Keating, nhận định các ngân hàng Mỹ đã phục hồi vững chắc và "ăn nên làm ra" hơn so với cách đây một năm.
Theo ông Keating, hiện các ngân hàng này đủ nguồn lực để theo đuổi các kế hoạch kinh doanh tham vọng, chi trả cổ tức, thu hút vốn từ các nhà đầu tư và mở rộng dịch vụ dành cho khách hàng...
Fed bắt đầu tiến hành sát hạch năng lực vượt qua khủng hoảng của các ngân hàng theo định kỳ hàng năm kể từ năm 2009, thời điểm nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trầm trọng kể từ sau cuộc đại suy thoái năm 1930./.