Mỹ: “Cuộc hôn nhân” không dễ dàng giữa Dân chủ và Cộng hòa

Sự thất thế của đảng Dân chủ buộc chính quyền Obama không có nhiều lựa chọn ngoài việc điều chỉnh đường hướng lãnh đạo để duy trì một “cuộc hôn nhân” không nhiều sóng gió giữa Nhà Trắng và Quốc hội.
Tổng thống Obama. (Nguồn: THX/TTXVN)

Sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, nước Mỹ đã có một Quốc hội mới với cán cân lực lượng nghiêng hẳn về đảng Cộng hòa.

Giới phân tích nhận định rằng sự thất thế của đảng Dân chủ buộc chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Barack Obama không có nhiều lựa chọn ngoài việc phải điều chỉnh các đường hướng lãnh đạo đất nước để duy trì một “cuộc hôn nhân” không quá nhiều sóng gió giữa Nhà Trắng và Quốc hội.

Tuy nhiên, sự điều chỉnh sẽ không ở mức quá lớn để có thể tạo ra những bước ngoặt trong nửa cuối nhiệm kỳ còn lại của ông Obama.

Trong bài phát biểu đầu tiên với báo giới sau cuộc bầu cử, Tổng thống Obama khẳng định sẽ hợp tác với các nghị sỹ Cộng hòa, song sẽ sử dụng những ưu tiên và quyền hành pháp của mình trong trường hợp các nghị sỹ Cộng hòa cản trở các chính sách đối nội, đối ngoại mà chính quyền đang theo đuổi.

Ông tuyên bố sẵn sàng hợp tác với Quốc hội mới để hai năm tới đạt kết quả tốt nhất có thể và thu hẹp được những bất đồng trên nền tảng tối đa hóa các đồng thuận. Tất nhiên, ông chủ Nhà Trắng vẫn thể hiện sự cứng rắn của mình với tuyên bố sẵn sàng sử dụng quyền phủ quyết tối cao mà Hiến pháp trao cho Tổng thống của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ trong những trường hợp cần thiết.

Về chính sách đối nội, Tổng thống Obama khẳng định sẽ không từ bỏ các ưu tiên hiện nay của mình, bao gồm kế hoạch tạo thêm việc làm và cải cách chính sách nhập cư. Tuy nhiên, ông Obama cũng để ngỏ khả năng điều chỉnh “một cách có trách nhiệm” chính sách bảo hiểm y tế mang tên ObamaCare, vốn liên tục vấp phải sự chỉ trích từ các nghị sỹ Cộng hòa.

Trong chính sách đối ngoại, Tổng thống Obama cho biết sẽ đề nghị Quốc hội mới ủng hộ chính phủ trong cuộc chiến chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cũng như ủng hộ nỗ lực của Washington nhằm chống đại dịch Ebola, thúc đẩy các nỗ lực của Ngoại trưởng John Kerry trong tiến trình hòa bình Trung Đông cũng như giải quyết các hồ sơ hạt nhân gai góc của Iran và Triều Tiên.

Một nét chính quan trọng trong chính sách đối ngoại của Washington trong sáu năm cầm quyền vừa qua của Tổng thống Obama là “xoay trục” sang châu Á. Mặc dù chính sách này nhận được sự ủng hộ của các nghị sỹ hai đảng, song cần được tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới.

Đánh giá những điều chỉnh trong chính sách đối nội thời gian tới của chính quyền Obama, nhiều nhà phân tích cho rằng ObamaCare và chính sách nhập cư có thể sẽ là tâm điểm của các cuộc tranh cãi tiếp theo tại hai viện Quốc hội. Đây cũng là hai vấn đề mà Nhà Trắng có thể buộc phải có những điều chỉnh lớn nhất.

Trong nhiệm kỳ đầu của ông Obama, chính sách ObamaCare và nhập cư luôn là những chủ đề làm nóng nghị trường. Đảng Dân chủ của Tổng thống Obama lập luận rằng cải cách hệ thống chăm sóc y tế là cần thiết để đảm bảo lợi ích tối đa cho người dân và tạo điều kiện cho những người nhập cư tới Mỹ, vốn đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế, trở thành công dân Mỹ.

Trong khi đó, đảng Cộng hòa cho rằng ObamaCare quá tốn kém, làm ngân sách thêm thâm thủng. Theo họ, việc tạo điều kiện cho phần lớn trong hơn 11 triệu cư dân nước ngoài nhập cư bất hợp pháp được trở thành công dân Mỹ là một cuộc "đại ân xá" không cần thiết, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa nước Mỹ.

Thượng nghị sỹ Mitch McConnell, người sẽ trở thành thủ lĩnh phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện vào tháng Giêng năm sau, cảnh báo rằng điểm dễ khiến bùng nổ tranh cãi và mâu thuẫn là cam kết của Tổng thống Obama đến cuối năm nay sẽ đơn phương thay đổi chính sách nhập cư để cho phép hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp có cơ hội được ở lại và có thể trở thành công dân Mỹ.

Ông McConnell bày tỏ hy vọng Tổng thống Obama sẽ không thực thi cam kết này, đồng thời cho biết đảng Cộng hòa chắc chắn sẽ tìm cách hủy bỏ chương trình bảo hiểm y tế của Tổng thống Obama.

Liên quan tới chính sách đối ngoại, các chuyên gia nhận định về cơ bản, đối ngoại sẽ không phải là chiến trường giữa Nhà Trắng và Quốc hội. Sở dĩ nói vậy bởi những quyết sách đối ngoại hiện nay của chính quyền Tổng thống Obama không gây nhiều tranh cãi, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế Mỹ chưa thực sự khỏe mạnh trở lại sau cuộc khủng hoảng 2007-2009.

Trên các mặt trận quan trọng như quan hệ đóng băng với Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine, cuộc chiến chống IS tại Syria và Iraq, chính sách “xoay trục” sang châu Á hay các hồ sơ hạt nhân của Iran, Triều Tiên, giữa các nghị sỹ Cộng hòa và Dân chủ về cơ bản không tồn tại nhiều bất đồng.

Một điểm đáng chú ý là nhiều khả năng Thượng nghị sỹ John McCain, người vốn chỉ trích sự hậu thuẫn chậm chạp của Mỹ dành cho lực lượng đối lập mà Mỹ coi là ôn hòa ở Syria, sẽ lên giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ. Điều đó sẽ tạo ra nhiều ý kiến bất đồng trong vấn đề chi tiêu quốc phòng và một số hoạt động quân sự của Mỹ ở Trung Đông.

Nhà Trắng cũng có thể sẽ có những điều chỉnh trong đàm phán hạt nhân với Iran theo hướng cứng rắn hơn sau khi Tổng thống Obama ngăn cản thành công các dự luật gia tăng trừng phạt nhẳm vào Iran do các nghị sỹ Cộng hòa đề xuất.

Trong lịch sử chính trường Mỹ, một “cuộc hôn nhân hòa hợp” giữa phe Cộng hòa và phe Dân chủ không bao giờ là dễ dàng. Chính điều đó đã tạo nên sức hấp dẫn và sức nóng của sân khấu chính trị Xứ Cờ hoa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục