Mỹ: Cộng hòa-Dân chủ giằng co chính sách tài chính

Cả Nhà Trắng và phe Cộng hòa đều đang hy vọng phía bên kia sẽ nhượng bộ trước nhằm vượt qua tình trạng "vách đá tài chính."
Trong bối cảnh chỉ còn một tuần nữa sẽ bước sang năm 2013 với hàng loạt loại thuế sẽ gia tăng và ngân sách chính phủ liên bang sẽ tự động bị cắt giảm dẫn tới nguy cơ đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới tái rơi vào suy thoái, cả Nhà Trắng và phe Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ giờ đây đều đang chơi trò "chờ xem" với hy vọng phía bên kia sẽ có nhượng bộ trước nhằm vượt qua tình trạng "vách đá tài chính" gây mâu thuẫn sâu sắc giữa hai đảng cầm quyền ở Mỹ trong suốt một năm qua.

Trước khi chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, Tổng thống Mỹ Barak Obama đã có các buổi làm việc riêng rẽ với Chủ tịch Hạ viện, Hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa John Boehner và thủ lĩnh phe đa số Dân chủ tại Thượng viện, Thượng nghị sỹ Harry Reid để tìm cách phá vỡ tình trạng bế tắc trong chính sách thuế và cắt giảm ngân sách.

Trong thông cáo báo chí sau các cuộc nói chuyện, Tổng thống Obama đã đề xuất một giải pháp thỏa hiệp tạm thời, theo đó tiếp tục gia hạn đạo luật giảm 2% thuế thu nhập cho các gia đình có thu nhập từ 250.000 USD trở xuống trong khi những cá nhân và gia đình có thu nhập cao hơn sẽ quay trở lại mức thuế bình thường.

[Nhiều nghị sỹ lo ngại Mỹ va vào "vách đá tài chính"]

Ông Obama cũng đề nghị gia hạn phúc lợi xã hội cho người thất nghiệp, đồng thời định ra một khuôn khổ cho lộ trình cắt giảm thâm hụt ngân sách trong tương lai. Ông hối thúc phe Cộng hòa đồng ý thông qua phương án thỏa hiệp này ngay sau Quốc hội họp trở lại sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh. Tổng thống Obama thừa nhận việc cắt giảm thâm hụt ngân sách không thể vội vã mà cần đi theo lộ trình từng bước.

Người phát ngôn của ông Boehner cho biết Chủ tịch Hạ viện sẵn sàng tìm một giải pháp ngắn hạn với điều kiện giải pháp đó phải bao gồm việc không tăng thuế đối với các gia đình trung lưu, không cắt giảm các phúc lợi bảo hiểm thất nghiệp và tạm trì hoãn việc tự động cắt giảm ồ ạt ngân sách các bộ ngành mà lẽ ra sẽ được bắt đầu từ ngày 1/1/2013.

Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ sẽ làm việc trở lại vào ngày 27/12, sau đó lại bước vào đợt nghỉ lễ Năm mới dài ngày. Thượng viện Mỹ có kế hoạch khi tái họp sẽ bàn tới một phương án thỏa hiệp thay vì kế hoạch cả gói như Nhà Trắng và các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa đã thương lượng nhưng bế tắc. Sau nỗ lực thất bại hồi tuần trước của ông Boehner, Hạ viện Mỹ chưa đưa đề mục này vào chương trình nghị sự. Tuy nhiên, các thành viên Hạ viện đã được yêu cầu có thể được triệu tập gấp trong vòng 48 tiếng đồng hồ.

Bất đồng chủ yếu hiện nay giữa các phương án của Nhà Trắng và phe Cộng hòa là việc có hay không nên tăng thuế thu nhập đối với 2% người giàu có nhất nước Mỹ. Tổng thống Obama đã đồng ý trước mắt chỉ tăng thuế đối với những cá nhân và cặp vợ chồng có thu nhập từ 400.000 USD/năm trở lên thay vì 250.000 USD/năm trở lên như trong phương án ban đầu.

Tuy nhiên, sau kế hoạch tăng thuế đối với những cá nhân và cặp vợ chồng có thu nhập từ 1 triệu USD/năm trở lên của ông Boehner bị thất bại tại Hạ viện, giờ đây phe Cộng hòa nói rằng trách nhiệm tìm giải pháp là thuộc về Nhà Trắng và phe Dân chủ.

Thảo luận về việc cắt bỏ một số chương trình trong các quỹ an sinh xã hội, bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm y tế cũng là vấn đề nhạy cảm đối với các nghị sỹ, nhất là những người sang năm 2014 sẽ phải tranh cử lại.

Thượng nghị sỹ độc lập Joe Lieberman cảnh báo nếu trước cuối năm 2012 không thông qua được một phương án thỏa hiệp nhằm tránh cho nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, Quốc hội khóa 112 sẽ đi vào lịch sử với tiếng xấu là thiếu trách nhiệm với người dân và đất nước.

Một số nghị sỹ Dân chủ cáo buộc ông Boehner, vì lợi ích cá nhân, cố tránh một phương án thỏa hiệp cho tới ngày 3/1/2013 Hạ viện mới khóa 113 tuyên thệ nhậm chức và bỏ phiếu bầu lại Chủ tịch Hạ viện, chiếc ghế mà cho tới nay chưa có đối thủ nào trong cùng đảng thách thức ông Boehner.

Trước đó, nhiều nghị sỹ Mỹ đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về nguy cơ nền kinh tế đầu tàu thế giới này va vào "vách đá tài chính" đang cận kề, thậm chí một số chính khách còn nhận định vấn đề này là hậu quả của sự "vô trách nhiệm" của Quốc hội trong một thời gian dài, đồng thời kêu gọi các bên cần chấm dứt việc đổ lỗi lẫn nhau để có thể tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề tài chính của nước Mỹ.

Thế bế tắc trên đã ảnh hưởng tới thị trường dầu mỏ thế giới trong phiên giao dịch trước ngày Giáng sinh. Tại New York, giá dầu West Texas giao tháng 2 giảm tới 5 cent, chốt phiên với giá 88,61 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent Biển Bắc giao tháng 2 trên thị trường London lại vẫn đồng giá so với chốt phiên giao dịch ngày 21/12 với 108,97/thùng.

Giới phân tích quan ngại rằng nếu như giới chức không đạt được thỏa thuận chung về vấn đề tài chính trước cuối năm 2012 thì nguy cơ Mỹ rơi trở lại suy thoái sẽ ảnh hưởng xấu đến nhu cầu dầu mỏ tại nước này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục