Mỹ công bố một số nội dung quan trọng về chính sách thương mại

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross biện hộ cho xu hướng bảo hộ mậu dịch của Mỹ khi cho rằng các nước trên thế giới đều có luật bảo hộ thương mại nhiều hơn Mỹ.
Mỹ công bố một số nội dung quan trọng về chính sách thương mại ảnh 1Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Washington ngày 20/6, trên tờ Wall Street Journal (Nhật báo Phố Wall), Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã công bố một số nội dung quan trọng trong chính sách thương mại Mỹ.

Trong bài trả lời phỏng vấn báo trên, ông Ross đã lên tiếng biện hộ cho xu hướng bảo hộ mậu dịch của Mỹ khi cho rằng các nước trên thế giới đều có luật bảo hộ thương mại nhiều hơn Mỹ, rằng nước này đã ở trong cuộc chiến thương mại trong nhiều thập kỷ.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Ross, Mỹ đã đạt nhiều tiến bộ với Trung Quốc sau kết quả tốt đẹp của cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, theo đó chưa đầy 100 ngày sau đã đạt thỏa thuận xuất khẩu thịt bò Mỹ sang Trung Quốc (lô hàng đầu tiên sẽ khởi hành trong 10 ngày tới).

Ông Ross cho biết thêm hai bên đang lập một danh sách khác, đồng thời tăng cường điện đàm nhằm đạt những kết quả cụ thể, hợp lý.

Liên quan Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), ông Ross cho rằng đây là thỏa thuận lỗi thời cần được cải tiến ở một số điểm, như kinh tế số, tài nguyên, dịch vụ và xuất xứ ôtô.

Theo ông, tranh cãi có thể giải quyết nếu các bên sẵn sàng có nhân nhượng và thỏa hiệp hợp lý. Bên cạnh đó, chính sách thương mại của Mỹ cũng chú trọng đến việc xử lý thâm hụt thương mại.

Ông Ross cũng khẳng định việc Mỹ rút khỏi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sẽ là bước đi rất cực đoan, cho rằng có những vấn đề cần phải khắc phục ở WTO, và những nỗ lực đầu tiên của Mỹ nên là cải cách WTO từ bên trong thay vì phá bỏ cả hệ thống.

Theo tờ Inside US Trade ngày 20/6, trả lời phóng viên bên lề sự kiện Đầu tư vào Mỹ (Select USA), Bộ trưởng Ross nói rằng Mỹ đã có một số cuộc gặp riêng rẽ để bàn về phạm vi hợp tác với một số nước vẫn là thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi hiệp định này.

Mỹ đã bày tỏ mong muốn đàm phán song phương với Tokyo nhưng giới chức Nhật Bản thường nêu quan điểm ưu tiên Mỹ quay trở lại với TPP, hoặc nếu không, TPP sẽ được triển khai mà không có Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục