Ngày 26/6 (theo giờ địa phương), Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ chi hơn 42 tỷ USD để mở rộng năng lực tiếp cận Internet tốc độ cao trên toàn quốc từ nay đến trước năm 2030.
Đây là một phần của chương trình nghị sự "Đầu tư vào Mỹ" của Tổng thống Biden với mục tiêu "không bỏ lại ai phía sau."
Thông cáo báo chí của Nhà Trắng nêu rõ hơn 8,5 triệu hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ vẫn đang sinh sống và hoạt động ở những khu vực thiếu thốn cơ sở hạ tầng Internet tốc độ cao; hàng triệu hộ gia đình cũng như các doanh nghiệp khác còn gặp nhiều khó khăn hơn khi không có những lựa chọn giải pháp Internet đáng tin cậy hoặc những lựa chọn bị hạn chế.
Vì vậy, nỗ lực này nhằm "đảm bảo rằng tất cả người dân Mỹ đều có thể tiếp cận Internet tốc độ cao với giá cả phù hợp và chất lượng đáng tin cậy."
Xét về quy mô gói đầu tư, Nhà Trắng cho biết đây là gói đầu tư "lớn nhất" trong lịch sử đất nước.
[Mỹ: Quá trình thực thi luật cơ sở hạ tầng 1.200 tỷ USD có tiến triển]
Trước đây, trong những năm 1930, người dân nước Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Franklin D. Roosevelt cũng được hưởng lợi từ một chương trình dân sinh liên quan đến điện năng, được biết đến là Đạo luật Điện khí hóa Nông thôn, theo đó giúp mang lại điện năng cho gần như hầu hết hộ gia đình và trang trại ở Mỹ.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Biden đang nỗ lực thúc đẩy quảng bá những thành tựu về đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, kinh tế và biến đổi khí hậu, nhằm tạo nền tảng ủng hộ cho chiến dịch tái tranh cử vào năm 2024./.