Mỹ coi Ấn Độ là đối tác chủ chốt ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Chỉ trong một năm rưỡi trở lại đây, Chính quyền Mỹ đã tập trung rất nhiều vào tăng cường quan hệ kinh tế, an ninh và ngoại giao song phương với Ấn Độ.
Mỹ coi Ấn Độ là đối tác chủ chốt ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: thehindu.com)

Hãng thông tấn PTI (Ấn Độ) ngày 30/7 đưa tin chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Ấn Độ là đối tác chủ chốt trong những nỗ lực của Washington nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, phát biểu trên của Cố vấn cấp cao về chính sách của ngoại trưởng Mỹ Brian Hook được đưa ra trước thời điểm Mỹ công bố các sáng kiến phát triển và hỗ trợ kinh tế trên toàn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khu vực đang nổi lên là một đầu tàu tăng trưởng vô cùng quan trọng.

Cố vấn Brian Hook cho biết thêm Mỹ và Ấn Độ không chỉ hợp tác song phương mà còn hợp tác với các đối tác khác có cùng tư tưởng, đặc biệt là Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc để thúc đẩy tầm nhìn chung về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trả lời phỏng vấn báo giới, ông Hook nhấn mạnh Ấn Độ là một đối tác chủ chốt trong những nỗ lực của Mỹ nhằm đảm bảo toàn bộ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng.

Chỉ trong một năm rưỡi trở lại đây, Chính quyền Mỹ đã tập trung rất nhiều vào tăng cường quan hệ kinh tế, an ninh và ngoại giao song phương với Ấn Độ.

Cố vấn Mỹ cũng khẳng định mối quan hệ đối tác Ấn Độ-Mỹ bắt nguồn từ những giá trị dân chủ chung, bởi hai nước cùng có những lợi ích và giá trị lâu dài với tư cách là những nền dân chủ lớn và lâu đời nhất.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, trong bối cảnh quan hệ song phương nồng ấm, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết nước này đã cấp quy chế Quyền Thương mại Chiến lược (STA1) cho Ấn Độ.

Theo đó, nới lỏng kiểm soát các sản phẩm công nghệ cao xuất sang Ấn Độ, tạo cơ hội để quốc gia Nam Á tiếp cận sản phẩm của Mỹ như các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Phát biểu tại sự kiện do Phòng Thương mại Mỹ (USCC) tổ chức ngày 30/7, Bộ trưởng Ross nhấn mạnh động thái trên cho thấy nỗ lực cải thiện cơ chế kiểm soát xuất khẩu của Washington, cũng như cam kết đối với các quy định xuất khẩu đa phương và vị thế ngày càng lớn của Ấn Độ với tư cách một đối tác quốc phòng của Mỹ.

Về phần mình, Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ Navtej Sarna đánh giá cao quyết định của Washington, cho đó là bước đi hợp lý sau khi Mỹ coi Ấn Độ là đối tác quốc phòng lớn hồi năm 2016./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục