Mỹ có toan tính gì đằng sau việc công bố "Danh sách Kremlin"?

Những căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và Nga đã bị đẩy lên nấc leo thang mới khi hàng trăm chính trị gia và doanh nhân giàu có của Nga bị Bộ Tài chính Mỹ xếp vào cái gọi là "Danh sách Kremlin."
Mỹ có toan tính gì đằng sau việc công bố "Danh sách Kremlin"? ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: Getty Images)

Những căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và Nga đã bị đẩy lên nấc leo thang mới khi hàng trăm chính trị gia và doanh nhân giàu có của Nga bị Bộ Tài chính Mỹ xếp vào cái gọi là "Danh sách Kremlin."

Chưa rõ những người bị Mỹ quy kết là "vây cánh" của Tổng thống Vladimir Putin sắp tới có bị áp đặt các lệnh trừng phạt của Mỹ hay không, nhưng việc nó được công bố vào thời điểm nước Nga đang sắp bước vào cuộc bầu cử tổng thống dường như nằm trong sự toan tính của chính quyền Mỹ.

Có tới 114 chính trị gia và 96 doanh nhân Nga bị nêu tên trong "bản danh sách đen" này của Mỹ , trong đó hầu hết là các quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Putin như Thủ tướng Dmitry Medvedev, Ngoại trưởng Sergey Lavrov, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, Giám đốc Cơ quan an ninh quốc gia Nga Aleksandr Bortnikov, Giám đốc Cục Tình báo đối ngoại Sergei Naryshkin, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov.

Trong số các tỷ phú Nga bị đưa vào danh sách đáng chú ý là ông Alisher Usmanov, người giàu thứ 66 thế giới với tổng tài sản hơn 15 tỷ USD; hay ông Herman Gref, giám đốc của Sberbank - ngân hàng lớn nhất Nga; ông Alexey Miller, giám đốc tập đoàn dầu khí Gazprom; thậm chí có cả tỉ phú Roman Abramovich, ông chủ của câu lạc bộ bóng đá Chelsea danh tiếng ở Anh. Theo quan sát, gần như toàn bộ 96 doanh nhân có tên trong Danh sách Kremlin đều có tổng tài sản trên 1 tỷ USD và có mặt trong bảng xếp hạng của Tạp chí Forbes.

"Danh sách Kremlin" là một phần trong dự luật trừng phạt Nga được Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 8 năm ngoái liên quan đến các cáo buộc Moskva can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, điều mà chính quyền Nga đã nhiều lần bác bỏ. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump có hạn chót đến ngày 29/1 phải công bố danh sách này. Chưa dừng lại ở đó, Bộ Tài chính Mỹ cho biết sẽ sớm cung cấp một phụ lục mật khác cho Quốc hội, với nhiều khả năng bao gồm cả những cái tên không được công khai trong danh sách kể trên.

Dù trước mắt khẳng định đây không phải "danh sách để trừng phạt,” nhưng chính quyền Mỹ đã nhanh chóng thông báo tới những chính phủ và doanh nghiệp tư nhân ở nước ngoài rằng “họ sẽ bị trừng phạt nếu có các giao dịch đặc biệt với những thực thể Nga bị liệt kê trong danh sách.”


[Video] Nga: Báo cáo Kremlin của Mỹ là hành động không thân thiện

Một quan chức Mỹ nhấn mạnh: “Chúng tôi thấy chưa cần thiết phải áp đặt trừng phạt với các thực thể hoặc cá nhân cụ thể bởi luật này thực tế là nhằm mục đích răn đe.” 

Chưa rõ hành động sắp tới của Mỹ sẽ ra sao, nhưng "Danh sách Kremlin" ngay lập tức đã vấp phải những chỉ gay gắt của Moskva. Cả Tổng thống Putin và Thủ tướng Medvedev đều cho rằng danh sách này thể hiện hành động “thiếu hữu nghị” của Mỹ, làm phức tạp thêm tình hình vốn đã khó khăn trong quan hệ Nga - Mỹ và gây nguy hại cho các mối quan hệ quốc tế nói chung.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov chỉ rõ rằng việc Washington công bố Danh sách Kremlin "rõ ràng là một phần trong kế hoạch nhằm tác động tới cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Nga," với âm mưu "làm hỏng hình ảnh và danh tiếng của các công ty, những nhà doanh nhân, các chính khách." 

Có thể thấy rõ việc đưa vào danh sách rất nhiều tỷ phú Nga, vốn được nhiều nhà bình luận cho là giống như bản copy danh sách những người giàu có của Nga trên tạp chí Forbes, là nhằm làm giảm sự tác động của Chính phủ Nga vào nhiều vấn đề trước khi Nga tiến hành cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 3 tới.

Những tháng gần đây, Nga đã nhiều lần cảnh báo Mỹ tìm cách can thiệp từ xa vào cuộc bầu cử ở Nga. Số tiền mà Mỹ đã đổ vào các tổ chức dân sự ở Nga trước các kỳ bầu cử tổng thống Nga lên tới hàng tỷ USD. Thông qua sự tài trợ của Mỹ, nhiều cuộc biểu tình của phe đối lập đã nổ ra và mới đây, những người biểu tình ở nhiều thành phố lớn tại Nga đã nghe theo lời kêu gọi trên mạng xã hội Twitter của ông Alexei Navalny - một nhân vật đối lập ở Nga và được Mỹ ủng hộ.

Nhiều cuộc biểu tình diễn ra bất hợp pháp, đặc biệt là tại thủ đô Moskva. Cảnh sát Nga đã bắt những những kẻ quá khích, bao gồm cả ông Navalny vì tổ chức biểu tình trái phép. Nhờ sự dung túng của Mỹ, sự ngoan cố bất chấp pháp luật của ông Navalny đã ngày càng gia tăng khi cuộc bầu cử ngày càng đến gần. Nó cho thấy những mối nguy tiềm tàng có thể xảy ra trong cuộc bầu cử sắp tới.

Ngoại trưởng Sergey Lavrov cho biết Tổng thống Putin đã nhiều lần đưa ra những ví dụ cụ thể của Đại sứ quán Mỹ khi tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cứ sắp tới, bao gồm cả những trường hợp mà các nhà ngoại giao Mỹ tham gia vào các cuộc mít-tinh trái phép của các đảng đối lập Nga. Thậm chí, Bộ Ngoại Nga đã ra cảnh báo có thể ban hành lệnh cấm các nhà ngoại giao Mỹ được phép tham gia quan sát cuộc bầu cử Tổng thống Nga diễn ra vào ngày 18/3 tới.

Hiện Nga và Mỹ đang căng thẳng với nhau trong nhiều vấn đề, bao gồm cáo buộc của Washington cho rằng Moskva can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 dù đây là điều Nga phủ nhận. Ngoài ra, hai nước cũng bất đồng quan điểm về các cuộc xung đột ở Ukraine và Syria... Việc Mỹ công bố "Danh sách Kremlin" khiến cho mối quan hệ này càng khó hàn gắn, đi ngược lại các lời hứa của Tổng thống Trump về việc cải thiện quan hệ giữa hai cựu thù thời Chiến tranh Lạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục