Theo Reuters và Đài TNHK, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 4/8 cam kết sẽ cung cấp gần 300 triệu USD tài trợ an ninh mới cho khu vực Đông Nam Á, trong bối cảnh Trung Quốc thúc đẩy các kế hoạch tăng cường sự tham gia của họ trong khu vực.
Chia sẻ với báo giới bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 (AMM 51) và các hội nghị liên quan, Ngoại trưởng Pompeo nói: “Một phần trong quyết tâm theo đuổi việc thúc đẩy an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Mỹ vui mừng công bố số tiền 300 triệu USD tài trợ mới để giúp tăng cường hợp tác an ninh trong toàn khu vực. Khoản tài trợ an ninh mới sẽ củng cố an ninh hàng hải, phát triển công tác nhân đạo, củng cố năng lực gìn giữ hòa bình và chống lại các mối đe dọa xuyên quốc gia."
Theo một thông cáo từ văn phòng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, số tiền này sẽ được cấp cho các đảo quốc Thái Bình Dương, Bangladesh, Indonesia, Mông Cổ, Nepal, Philippines, Sri Lanka, Việt Nam và một số nơi khác.
Trước đó, Mỹ cũng cho biết sẽ đầu tư 113 triệu USD vào các chương trình công nghệ, năng lượng và cơ sở hạ tầng ở khu vực châu Á đang trỗi dậy, số tiền đầu tư mà Ngoại trưởng Pompeo gọi là “khoản tiền đặt cọc cho một kỷ nguyên mới trong các cam kết về kinh tế của Mỹ đối với khu vực."
Chiến lược của Mỹ về một “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” được đưa ra cùng lúc Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng với Sáng kiến “Vành đai và Con đường” để thúc đẩy quan hệ thương mại với các nước ở Đông Nam Á và xa hơn nữa.
Cụm từ “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” đã được sử dụng ngày càng nhiều bởi các nhà ngoại giao Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Mỹ trong những năm gần đây, một cách gọi tắt cho một khu vực bao gồm các nước có lãnh đạo dân chủ, khác với “châu Á-Thái Bình Dương” với Trung Quốc ở vị trí trung tâm.
Trung Quốc tuyên bố Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của họ là nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng chung của tất cả các nước tham gia, nhưng những người chỉ trích xem chính sách mang dấu ấn của Chủ tịch Tập Cận Bình là một nỗ lực nhằm mở rộng ảnh hưởng về mặt chính trị.
Nhiều ý kiến hoan nghênh các động thái mới của Mỹ song cũng có không ít lo ngại về những lựa chọn trong thời gian gần đây của Chính quyền Washington, vốn đang dấn thân vào một cuộc chiến thương mại trầm trọng với Trung Quốc, kéo theo nguy cơ gây thiệt hại lớn cho các nền kinh tế khu vực.
[Đông Nam Á “đứng ngồi không yên” vì Mike Pompeo]
Các nhà phân tích cho rằng các ý tưởng đầu tư về kỹ thuật, năng lượng và hạ tầng trị giá 113 triệu USD mà ông Mike Pompeo công bố hồi đầu tuần sẽ khó mà thuyết phục được các quốc gia vốn có mối liên hệ mật thiết với hệ thống cung ứng của các nhà xuất khẩu Trung Quốc.
Kế hoạch kể trên là những chi tiết cụ thể đầu tiên của chính “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” cho đến nay vẫn còn mơ hồ của Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên đây lại được cho là có thể trở thành nguyên nhân làm bùng phát căng thẳng mới với Bắc Kinh.
Malcolm Cook, nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, được Reuters dẫn lời nói: “Các nước Đông Nam Á quan tâm nhiều hơn về hậu quả đối với họ do những căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gây ra hơn là họ có thể được lợi ích gì từ gói đầu tư 113 triệu USD này."
Ngân hàng lớn nhất Singapore, DBS, đã ước tính rằng một cuộc chiến thương mại toàn cầu - cụ thể là khi Mỹ và Trung Quốc trả đũa nhau bằng các mức thuế lên tới 15-25% đối với tất cả các mặt hàng xuất-nhập khẩu, sẽ khiến tốc độ tăng trưởng của Singapore giảm đi phân nửa vào năm 2019, từ 2,7% xuống còn 1,2%. Tốc độ tăng trưởng của Malaysia cũng sẽ giảm từ 5% xuống 3,7%. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s nhận định rằng châu Á “cực kỳ dễ bị tổn thương” trước chiến tranh thương mại do sự gắn kết giữa các nước trong chuỗi cung ứng.
Theo Reuters, trước chính sách đối ngoại mới của chính quyền Trump đối với khu vực, các nước Đông Nam Á vẫn tỏ ra thận trọng. Chuyến công du lần này của Ngoại trưởng Pompeo là cơ hội để Mỹ “làm rõ và xây dựng lập trường thống nhất” về chính sách này. Chính sách xoay trục sang châu Á của cựu Tổng thống Barack Obama để đối phó với ảnh hưởng lớn mạnh của Trung Quốc đã bị “xếp xó” sau khi Trump vào Nhà Trắng với chủ trương “Nước Mỹ trước tiên."
Một trong những hành động đầu tiên của Trump là rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ đưa ra để chống lại ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Kết quả là trên khắp châu Á, ngày càng có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ bị rơi vào quỹ đạo của Trung Quốc. Các nước có tranh chấp chủ quyền buộc phải mềm dẻo hơn với Trung Quốc hoặc phải vay hàng tỷ USD từ Bắc Kinh để xây dựng cơ sở hạ tầng./.