Mỹ có thể học hỏi điều gì từ sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc?

Kể cả trong nước hay ngoài nước, Mỹ cần nỗ lực để phát triển phản xạ lãnh đạo nhân danh lợi ích công cộng. Trên thực tế, cũng nên công khai hoan nghênh Trung Quốc khi họ làm như vậy.
Quang cảnh bên ngoài Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở Washington DC. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo tạp chí World Politics Review, lần cuối cùng nền kinh tế toàn cầu suy thoái, vào mùa Thu năm 2008 sau cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ, Trung Quốc đã đi đầu cả trong việc tự “cách ly” nước này khỏi phần lớn thiệt hại từ cuộc khủng hoảng, cũng như tạo ra đủ nhu cầu mới trong nền kinh tế nội địa để ngăn chặn một cuộc suy thoái tồi tệ có thể xảy ra tại nước này.

Ngay cả bây giờ, sau nhiều năm, phản ứng của Trung Quốc khi đó vẫn chưa thực sự được hiểu rõ. Như nhà sử học kinh tế Adam Tooze đã kể lại trong cuốn sách năm 2019 của ông với tựa đề: “Đổ vỡ: Thập niên khủng hoảng tài chính đã thay đổi thế giới như thế nào,” Chính phủ Trung Quốc đã chỉ đạo thực hiện gói kích thích trị giá khoảng 1.200 tỷ USD từ năm 2010-2012 tại một tỉnh chỉ có quy mô khiêm tốn - đó là Hồ Bắc với dân số khoảng 57 triệu người, khiêm tốn so với tiêu chuẩn của Trung Quốc.

Ông Tooze viết: “Điều này có nghĩa là một tỉnh của Trung Quốc với dân số bằng Vương quốc Anh và quy mô GDP bằng Hy Lạp đã tham gia vào một chương trình đầu tư lớn hơn bất kỳ biện pháp kích thích nào từng được thực hiện ở Mỹ.”

Chương trình đầu tư khẩn cấp của Trung Quốc đã rót những khoản tiền khổng lồ vào kế hoạch cơ sở hạ tầng quốc gia, mở rộng mạng lưới đường sắt tốc độ cao hàng đầu thế giới và bổ sung một số lượng lớn các tuyến đường bộ và sân bay mới mà nước này đã xây dựng trong thế hệ trước.

Nhưng đó chưa phải là tất cả. Điều rất ít được biết tới ở bên ngoài Trung Quốc là cách thức mà Bắc Kinh tận dụng cuộc khủng hoảng này để đầu tư vào chính người dân nước này - nghĩa là đầu tư vào phúc lợi công cộng, đặc biệt là nhắm vào các nhóm thu nhập thấp hơn và những người nghèo đói.

Theo tác giả Tooze, Trung Quốc đã xây dựng 2.000 bệnh viện cấp quận mới và 5.000 phòng khám ở thị trấn, đồng thời mở rộng phạm vi bao phủ bảo hiểm y tế quốc gia từ 30% lên 90% dân số nông thôn, xây dựng một lượng nhà ở mới giá rẻ ấn tượng và tăng tiền hỗ trợ đối với những người bình thường.

Những gì mà tác giả Tooze kết luận về động cơ đằng sau các hành động của Trung Quốc vào thời điểm đó liên quan đến chiến lược phục hồi sau đại dịch COVID-19 hiện nay của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

[Bong bóng tài chính của nền kinh tế Mỹ thời dịch COVID]

Theo chuyên gia Tooze, điều đáng chú ý là cuộc vận động năm 2008 không nằm trong bất kỳ kế hoạch tổng thể nào. Đó là một phản ứng mạnh mẽ đối với tình huống khẩn cấp không lường trước được xảy ra với Trung Quốc từ bên ngoài.

Tác động mạnh mẽ của gói kích thích đã tạo ra những tác động lớn về mặt chính trị, địa chính trị cũng như kinh tế.

Ngay trước cuộc khủng hoảng năm 2008, GDP của Trung Quốc chỉ gần bằng 1/3 của Mỹ hoặc Liên minh châu Âu (EU), được tính bằng tỷ giá hối đoái thị trường. Bốn năm sau, Trung Quốc có quy mô bằng một nửa nền kinh tế EU và chỉ kém một chút so với nền kinh tế Mỹ.

Vấn đề là để cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu, người ta không bao giờ có thể "ngủ quên trên vòng nguyệt quế" của mình. Trung Quốc đã chứng tỏ lợi ích của việc đầu tư vào chính người dân nước này, tốt hơn bất kỳ nền kinh tế lớn nào khác trong lịch sử gần đây.

Cho dù các chính trị gia Mỹ cảm thấy họ có thể thừa nhận điều đó hay không, thì chính Trung Quốc đã chỉ ra cách tốt nhất để cạnh tranh với họ.

Điều này không có nghĩa là bắt chước toàn diện các chính sách kinh tế của Bắc Kinh hoặc ít hơn nhiều là về mặt chính trị. Tuy nhiên, ý nghĩa của vấn đề là cạnh tranh toàn cầu ngày nay trên hết là sự cạnh tranh tập trung vào nguồn nhân lực.

Để có thể làm tốt trong cuộc đua này đòi hỏi các quốc gia phải đầu tư liên tục vào việc nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng và điều kiện sống cơ bản của đông đảo người dân, trái ngược với việc cho phép hầu như tất cả của cải mới tạo ra tập trung vào tay một số ít người.

Trên thực tế, đây cũng chính là định hướng tổng thể của gói cứu trợ COVID-19 mới trị giá 1.900 tỷ USD của ông Biden, được gọi là “Kế hoạch Giải cứu người Mỹ,” cũng như phần lớn phần còn lại của chương trình kinh tế mới của ông.

Tất nhiên, điều này bao gồm tham vọng của ông Biden trong việc đại tu cơ sở hạ tầng bị bỏ bê tồi tệ của nước Mỹ, cùng với sự nhấn mạnh mạnh mẽ vào điều mà ông gọi là “công bằng,” nghĩa là làm nhiều hơn nữa để giúp các nhóm dân cư từng bị phân biệt đối xử hoặc khó tiếp cận cơ hội phát triển.

Điều này có thể bắt đầu với động thái giảm tỷ lệ nghèo ở trẻ em xuống một nửa tại xã hội giàu có nhất thế giới này. Kế hoạch này cũng đánh dấu lần đầu tiên kể từ những năm 60 của thế kỷ XX, xóa đói giảm nghèo dù dưới bất kỳ hình thức nào đã trở thành trọng tâm chính của nền chính trị Mỹ.

Như nhiều nhà bình luận đã nói trong những ngày gần đây, điều này giống như việc hủy bỏ muộn màng chủ nghĩa Reagan ở Mỹ. Nhưng thay vì nghĩ về điều này một cách lạc hậu, sẽ hữu ích hơn nếu định hình vấn đề này về mặt cạnh tranh trong thế giới ở tương lai gần.

Như tác giả Martin Sandbu, đã viết trên Financial Times rằng, gói kích thích của ông Biden “có thể không nhìn thấy theo nghĩa đen, nhưng chắc chắn có quy mô hành tinh.”

Kế hoạch này sẽ giúp tăng dự báo tăng trưởng của Mỹ lên 6,5% trong năm 2021 và đưa đất nước vào quỹ đạo để trở lại tiềm năng tăng trưởng trước đại dịch nhanh hơn từ ba đến bốn năm so với trước khi có gói kích thích.

Tuần này, tập đoàn Goldman Sachs thậm chí còn mạnh dạn hơn khi dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 8%.

Ông Sandu cho biết thêm: “Điều này chứng minh cho giả định địa chiến lược được coi là nền tảng cho cách tiếp cận của Chính quyền Tổng thống Biden, đó là việc khôi phục vị trí lãnh đạo của Mỹ trên thế giới phụ thuộc vào việc xây dựng lại sức mạnh kinh tế trong nước.” Tất cả điều này có thể được thực hiện được bằng cách đầu tư vào dân số.

Mặc dù vậy, bài học lớn hơn cho chính quyền của ông Biden thậm chí còn quan trọng hơn. Cũng giống như việc Trung Quốc không phản ứng với cuộc khủng hoảng năm 2008 bằng một kế hoạch tổng thể cho sự thống trị toàn cầu, mà thay vào đó theo đuổi việc đáp ứng một số nhu cầu cơ bản nhất của mình, Mỹ nên học cách cạnh tranh với Trung Quốc bằng cách tìm kiếm mục đích của riêng mình tốt hơn.

Ý tưởng này trở nên rõ ràng trong những ngày gần đây khi các tờ báo đều giật tít về việc Washington đang hợp tác với Ấn Độ, Nhật Bản và Australia để cạnh tranh với Trung Quốc để cung cấp vaccine COVID-19 trên khắp châu Á.

Thông điệp này có vẻ vừa không cần thiết vừa phản tác dụng. Mỹ đang làm điều đúng đắn bằng cách thúc đẩy nghị trình y tế toàn cầu giữa một cuộc khủng hoảng COVID-19.

Theo thuật ngữ quyền lực mềm, chính hiệu quả của những nỗ lực như vậy mới là yếu tố củng cố các mối quan hệ. Nhưng tìm cách ghi điểm bằng cách coi Trung Quốc là đối thủ trong việc cung cấp hàng hóa quan trọng, trong trường hợp này là vaccine chủ chốt để chấm dứt đại dịch, chỉ làm giảm bớt nỗ lực của Washington.

Kể cả trong nước hay ngoài nước, Mỹ cần nỗ lực để phát triển phản xạ lãnh đạo nhân danh lợi ích công cộng. Trên thực tế, cũng nên công khai hoan nghênh Trung Quốc khi họ làm như vậy./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục