Mỹ có thể cân nhắc lại các biện pháp trừng phạt Iran

Ngoại trưởng Pompeo cho biết Washington liên tục đánh giá lại các chính sách của mình và họ đương nhiên có thể cân nhắc lại về vấn đề trừng phạt.
Mỹ có thể cân nhắc lại các biện pháp trừng phạt Iran ảnh 1Iran chịu ảnh hưởng nặng nề do COVID-19. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 31/3, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đề cập đến khả năng nới lỏng các biện pháp trừng phạt với Iran và một số quốc gia, nhằm giúp những nước này phòng chống dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát mạnh mẽ. Tuy nhiên, ông Pompeo không nói rõ thông tin cụ thể về kế hoạch này.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, Ngoại trưởng Pompeo cho biết Washington liên tục đánh giá lại các chính sách của mình và họ đương nhiên có thể cân nhắc lại về vấn đề trừng phạt.

Ngoại trưởng Pompeo cũng tái khẳng định, Washington không áp đặt trừng phạt Iran liên quan đến nguồn cung cấp viện trợ nhân đạo và thiết bị y tế. Cho đến nay, Iran đã ghi nhận hơn 44.600 ca mắc bệnh COVID-19 với gần 2.900 người tử vong.

Trước đó, Liên hợp quốc đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế đối với những quốc gia như Iran, Triều Tiên và Venezuela, nhằm đảm bảo nguồn cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân những nước này khi dịch COVID-19 bùng phát.

Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc Hilal Elver nhận định, việc tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với những nước như Syria, Venezuela, Iran, Cuba... đang làm suy yếu nghiêm trọng quyền cơ bản của người dân bình thường

Bà Elver khẳng định đây là vấn đề nhân đạo khẩn cấp và cộng đồng quốc tế cần phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đơn phương ngay lập tức.

Tuần trước, Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet cũng đã đề xuất nới lỏng hoặc đình chỉ các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia nói trên. Theo bà Bachelet, những trở ngại đối với việc nhập khẩu vật tư y tế quan trọng, sẽ tạo ra tác hại lâu dài cho những cộng đồng dễ bị tổn thương.

Trong khi đó, Pháp, Đức và Anh đã bắt đầu xuất khẩu hàng hóa y tế sang Iran. Đây là giao dịch đầu tiên được thực hiện theo cơ chế thương mại đặc biệt, ra đời sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục