Mỹ có thể biến khủng hoảng thời COVID-19 thành cơ hội?

Đối với Mỹ, việc nắm trong tay đồng USD - một tài sản dự trữ toàn cầu, nền kinh tế lớn nhất thế giới có tất cả sự linh hoạt và nguồn lực để biến cuộc khủng hoảng này thành cơ hội.
Quang cảnh bên ngoài Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo Foreign Policy, một lần nữa, thế giới đang chứng kiến các thị trường tài chính lao dốc và Chính phủ phải liên tiếp đưa ra các gói hỗ trợ khẩn cấp.

Ông Mark Blyth, Giáo sư kinh tế quốc tế thuộc trường đại học Brown University, và ông Eric Lonergan, Giám đốc đầu tư của công ty M&G Investments và là một chuyên gia kinh tế, cho rằng vào thời điểm những lo ngại về đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang gây nên sự chấn động trên thị trường tài chính, có hai ý tưởng sai lầm về các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế trong thời kỳ suy thoái vẫn còn tồn tại.

Đây cũng là thời điểm các nhà hoạch định chính sách cần xác định ai là những người được hưởng lợi từ các thị trường cũng như từ những gói cứu trợ này.

Câu hỏi về tính hiệu quả của thị trường

Theo quan niệm truyền thống đầu tiên, việc quyết định mua hoặc bán tài sản là phản ứng hợp lý của các nhà đầu tư đối với một thông tin. Đó là thị trường “hiệu quả” và đây thường được cho là biện pháp tốt nhất để thiết lập hay đánh giá xu hướng đầu tư.

Tuy nhiên, thực tế đã ghi nhận trên thị trường tài chính trong thời gian gần đây, tâm lý hoảng loạn khiến nhà đầu tư phản ứng với sự không chắc chắn chứ không phải với thông tin nhận được.

[''Đại dịch COVID-19 khiến các nước G20 đối mặt với suy thoái kinh tế'']

Các ngân hàng trung ương trên thế giới đã buộc phải can thiệp nhằm ổn định các thị trường vốn đã mất đi sự hiệu quả giữa bối cảnh đại dịch COVID-19.

Quan niệm thứ hai, biện pháp hữu hiệu để đối phó với tình trạng tiêu dùng và đầu tư doanh nghiệp sụt giảm do những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 là khôi phục niềm tin bằng cách cắt giảm ngân sách của chính phủ, hay còn được gọi là chính sách “thắt lưng buộc bụng.”

Trong bối cảnh hiện nay, ý tưởng này cũng đã không còn thuyết phục được đa số ủng hộ. Trước tình hình lây lan và diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên toàn thế giới, chính phủ các nước đã công bố nhiều gói ngân sách hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 để bù đắp cho những tác động mà “cơn bão” này gây ra.

Tại Mỹ, những nỗ lực nhằm nhằm thúc đẩy nền kinh tế và ổn định thị trường tài chính đã được khởi động từ giữa tháng Ba. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 18/3 công bố một loạt công cụ tổng hợp bao gồm cắt giảm lãi suất cơ bản xuống còn 0-0,25%, áp dụng chương trình nới lỏng định lượng (QE) thông qua việc mua trái phiếu chính phủ và chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản thế chấp, hạ lãi suất cho vay chiết khấu từ 1,5% xuống còn 0,25% và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc về 0% từ ngày26/3/2020.

Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ của Fed, ngày 23/3 tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp can thiệp chưa từng có với tuyên bố sẽ mua một lượng trái phiếu kho bạc và chứng khoán được thế chấp không giới hạn và mở ba cơ sở mới để mua nợ của các công ty với mục đích duy trì tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thành luật dự luật kích thích kinh tế có trị giá 2.000 tỷ USD, nhằm hỗ trợ nền kinh tế nước này và hàng triệu người dân gặp khó khăn do các tác động tiêu cực của dịch COVID-19.

Trước đó, văn kiện này đã được Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua. Dự kiến, gói cứu trợ trên sẽ hỗ trợ tài chính cho người dân Mỹ, các doanh nghiệp nhỏ cùng với hàng tỷ USD tín dụng cho các doanh nghiệp lớn hơn như các hãng hàng không, và tăng cường các khoản trợ cấp thất nghiệp.

Các phản ứng khẩn cấp cho đến nay rất ấn tượng song tình hình còn chứa đựng nhiều rủi ro, các biện pháp hiện tại là chưa đủ và còn nhiều việc cần phải làm. Tuy nhiên, trên khía cạnh khác, các nhà kinh tế cũng đặt ra câu hỏi về vai trò hoạt động cũng như sự hiệu quả của các thị trường tài chính.

Từ năm 2008 đến nay, các tập đoàn lớn trên thế giới đã tích lũy tổng số nợ lên tới khoảng 13.500 tỷ USD dựa vào chính sách tiền tệ của Fed và các ngân hàng trung ương khác với lãi suất gần hoặc dưới 0% trong dài hạn.

Nhân viên Hãng sản xuất công nghiệp thiết bị phòng hộ PPE chế tạo thiết bị phòng dịch COVID-19 để cung cấp cho các bệnh viện và cơ sở y tế, tại một khu xưởng của hải quân ở Brooklyn, New York (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, thay vì đầu tư số tiền huy động được vào hoạt động sản xuất hay cải thiện năng suất lao động, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã sử dụng phần lớn số tiền mặt có được để mua lại cổ phiếu của chính mình và tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường tài chính.

Và giờ đây, số nợ doanh nghiệp này có thể sẽ được Fed “giải cứu” bằng tiền thuế của người dân. Tâm lý mạo hiểm và chấp nhận rủi ro quá mức đó đã khiến cho toàn bộ hệ thống trở nên dễ tổn thương khi xảy ra khủng hoảng.

Biến khủng hoảng thành cơ hội cải cách

Các chuyên gia khuyến nghị rằng đây là thời điểm các quốc gia trên thế giới có thể hành động để biến cuộc khủng hoảng thành cơ hội.

Đầu tiên là đưa ra chính sách tiền tệ “hậu lãi suất,” mà theo đó, các ngân hàng trung ương không phụ thuộc vào lãi suất như đòn bẩy chính để tác động đến thị trường.

Cụ thể, các ngân hàng trung ương nên trực tiếp tài trợ cho hoạt động chi tiêu công và trực tiếp cấp nguồn lực tài chính hoặc bảo lãnh tín dụng cho các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.

Các biện pháp giảm thuế cho doanh nghiệp và hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình đã được tiến hành và nên được duy trì trong suốt giai đoạn khủng hoảng.

Những khoản hỗ trợ tín dụng và thanh khoản cần đảm bảo rằng các công ty có thể thanh toán cho chủ nợ, và quan trọng nhất là trả lương cho nhân viên của họ.

Điều mà cuộc khủng hoảng này phơi bày không chỉ là sự bất cân xứng của những người được hưởng lợi từ thị trường tài chính, mà còn là việc những người dân thiếu tài sản đảm bảo để dựa vào khi nền kinh tế rơi vào khủng hoảng.

Đến năm 2016, hầu hết người dân Mỹ vẫn chưa khôi phục lại số tài sản mà họ sở hữu trong năm 2007. Gần một nửa người dân sẽ gặp nhiều khó khăn để có được 2.000 USD trong kịch bản khủng hoảng xảy ra, và thậm chí một khoản chi phí 400 USD có thể khiến nhiều người vỡ nợ.

Một vấn đề quan trọng cần được giải quyết đó là các khoản vay để mua nhà và khoản vay của sinh viên. Sở hữu một ngôi nhà vượt quá khả năng của hầu hết người lao động, đặc biệt là ở khu vực thành thị. Bên cạnh đó, tiêu dùng giảm dần do thanh niên Mỹ phải đối mặt với những khoản nợ khổng lồ và mức lương thấp, dẫn đến những điều kiện gây ra nguy cơ tăng trưởng kinh tế thấp ngay cả khi không có bệnh dịch.

Các chuyên gia đề xuất việc quản lý các khoản nợ của sinh viên một cách hiệu quả, đồng thời thúc đẩy xây dựng thêm các công trình nhà ở dành cho người có thu nhập thấp trong thập kỷ tới và tạo thêm việc làm trong ngành xây dựng.

Đại dịch lần này cũng đã cho thấy việc gần 30 triệu người Mỹ không có bảo hiểm là một vấn đề nghiêm trọng. Bảo hiểm y tế cơ bản cho tất cả những người không có khả năng mua các gói dịch vụ của các công ty bảo hiểm tư nhân nên được coi là ưu tiên trong các nghị trình chính sách.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng lần này là cơ hội để các nhà lập pháp nghiêm túc về việc cải cách thị trường tài chính. Các tổ chức xếp hạng tín dụng cũng cần sát sao trong vấn đề đánh giá nợ doanh nghiệp, hạ mức đánh giá đối với các công ty mắc nợ nhiều để giảm nguy cơ Chính phủ sẽ phải “giải cứu” trong tương lai.

Đối với Mỹ, việc nắm trong tay đồng USD - một tài sản dự trữ toàn cầu, nền kinh tế lớn nhất thế giới có tất cả sự linh hoạt và nguồn lực để biến cuộc khủng hoảng này thành cơ hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục