Các khoản vỡ nợ thẻ tín dụng của Mỹ đã tăng vọt, lên mức cao nhất kể từ năm 2008, phản ánh áp lực tài chính gia tăng đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp trong bối cảnh lạm phát dai dẳng và lãi suất cao.
Báo cáo trích dẫn dữ liệu do BankRegData phân tích cho biết các công ty cho vay thẻ tín dụng đã phải xóa 46 tỷ USD trong các khoản vay quá hạn trong 9 tháng đầu năm 2024. Con số này tăng tới 50% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất kể từ năm 2010.
Capital One Financial Corporation, một công ty phát hành thẻ tín dụng lớn của Mỹ, cho biết tính đến tháng 11/2024, các khoản vay thẻ tín dụng được đánh dấu là không có khả năng trả nợ đã lên tới 6,1%, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Financial Times, đây là dấu hiệu cho thấy sức khỏe tài chính của người tiêu dùng có thu nhập thấp đang suy yếu sau nhiều năm lạm phát cao.
Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody's Analytics, cũng lưu ý đến tác động của tình trạng vỡ nợ thẻ tín dụng đối với các nhóm thu nhập thấp khi cho biết tỷ lệ tiết kiệm của nhóm này hiện là 0.
Theo báo cáo mới về nợ hộ gia đình của chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ở New York, tính chung, người Mỹ hiện nợ kỷ lục 1.170 tỷ USD trên thẻ tín dụng với số dư thẻ tín dụng tăng 24 tỷ USD trong quý 3/2024, cao hơn 8,1% so với một năm trước.
Forbes cảnh báo vào năm 2024, người tiêu dùng Mỹ sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào thẻ tín dụng để chi trả cho mua sắm mùa Giáng sinh và các chi phí khác, chủ yếu là do áp lực lạm phát đang buộc các hộ gia đình Mỹ phải gánh thêm nợ.
Với việc chi tiêu bằng thẻ tín dụng tăng lên, tỷ lệ vỡ nợ có thể tăng thêm nữa. Về lâu dài, điều này sẽ ảnh hưởng đà tăng trưởng tiêu dùng của Mỹ. Theo đó, hãng kiểm toán Ernst & Young dự báo tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ sẽ dần hạ nhiệt từ 2,7 % vào năm 2024 xuống 2,2 % vào năm 2025 khi tăng trưởng việc làm chậm lại ảnh hưởng đến xu hướng thu nhập và giá cả và lãi suất nói chung vẫn ở mức cao.
Một số nhà phân tích cho rằng điều này thậm chí sẽ khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới chậm lại vào nửa cuối năm 2025./.
Thái Lan đối mặt với nguy cơ vỡ nợ thẻ tín dụng
Tỷ lệ vỡ nợ gia tăng một phần có thể là do quyết định nâng yêu cầu thanh toán tối thiểu đối với thẻ tín dụng từ 5% lên 8% vào đầu năm nay của Ngân hàng Trung ương Thái Lan.