Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cho phép Tập đoàn dầu khí đa quốc gia Anglo-Dutch Shell tái khởi động việc khoan thăm dò dầu khí vùng biển Chukchi, ở vùng biển Bắc Cực, ngoài khơi bang Alaska.
Đây được coi là một thắng lợi lớn đối với tập đoàn Shell trong nỗ lực vận động Chính quyền và Quốc hội cho phép khai thác nguồn tài nguyên ở các vùng biển ngoài khơi kể từ khi công ty này tạm ngừng các hoạt động khai thác tại Bắc Cực hồi năm 2012.
Trong thông báo đưa ra ngày 11/5, Bộ Nội vụ Mỹ cho biết Chính quyền Washington đã nhất trí cấp phép cho Shell triển khai kế hoạch thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng biển Chukchi vào mùa Hè tới, với điều kiện tập đoàn này phải nhận được sự chấp thuận từ chính quyền bang Alaska cũng như từ các cơ quan quản lý môi trường và các loài động vật biển.
Theo kế hoạch do Shell đề xuất, công ty này sẽ khoan 6 giếng dầu ở độ sâu khoảng 40m và sử dụng hai tàu chở dầu có thể hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp khẩn cấp.
Trước đó, Cục quản lý năng lượng biển Mỹ (BOEM) cũng đã thông qua hoạt động của Shell tại Bắc Cực, nhấn mạnh quyết định này được đưa ra dựa trên sự cân nhắc kỹ lưỡng về việc khai thác nguồn "vàng đen" tại vùng biển Chukchi.
Động thái trên ngay lập tức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nhóm hoạt động về môi trường khi cho rằng việc khai thác dầu khí tại Bắc Cực sẽ phá hệ sinh thái của vùng biển này, nhất là nguy cơ tràn dầu như thảm họa tại Vịnh Mexico tháng 4/2010.
Các nhà hoạt động môi trường chỉ trích Chính quyền Tổng thống Obama lại một lần nữa thông qua một "kế hoạch khai thác dầu đầy mạo hiểm" tại một trong những khu vực xa xôi nhất nhưng quan trọng nhất trên Trái Đất.
Theo Cơ quan quản lý Địa chất của Mỹ, khu vực Bắc Cực có trữ lượng dầu khí chiếm khoảng 20% trữ lượng chưa được công bố của thế giới. Trước đó, Shell đã buộc phải ngừng các hoạt động thăm dò dầu khí tại Bắc Cực từ giữa năm 2012 do không chứng minh được đủ thiết bị an toàn để ứng phó với nguy cơ tràn dầu.
Các kế hoạch khai thác dầu tại Bắc Cực trong năm 2013 của tập đoàn này cũng đã bị hoãn lại, đặc biệt sau khi xảy ra hàng loạt sự cố kỹ thuật liên quan đến hai giàn khoan là Kulluk và Noble Discoverer./.