Ngày 17/8, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố bắt đầu quy trình đấu thầu cho thuê một khu vực rộng lớn thuộc Khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia Bắc Cực (ANWR) dành cho hoạt động khoan dầu và khí đốt.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, một văn bản do Bộ trưởng Nội vụ David Bernhardt ký sẽ cho phép việc tiến hành toàn bộ hoạt động trên tại khu vực rộng 607.000 hecta dọc vùng đồng bằng ven biển thuộc ANWR.
Bộ trưởng Bernhardt cho biết chương trình khoan dầu khí này có thể tạo ra hàng nghìn việc làm mới và mang lại hàng chục tỷ USD.
Quyết định gây tranh cãi trên là quyết định mới nhất của chính quyền Tổng thống Trump nhằm thúc đẩy hoạt động khoan dầu khí, bao gồm cả ở khu vực Bắc Cực.
Khu bảo tồn ANWR có diện tích 7,7 triệu hécta, là nơi sinh sống của các loài động vật Bắc cực như gấu xám, gấu Bắc Cực, sói xám, tuần lộc, cáo Bắc Cực, cá và 135 loài chim di trú.
Bất chấp việc chính quyền Mỹ lập luận rằng quyết định trên sẽ giúp tạo thêm việc làm, các nhóm bảo vệ môi trường và những người phản đối trong nhiều năm đã cảnh báo về tác động tàn phá môi trường từ việc mở cửa khu vực trên phục vụ hoạt động khoan dầu khí.
Họ nhấn mạnh việc khoan dầu khí tại nơi trú ngụ của động vật hoang dã có thể gây hại cho các loài động vật tại đây cũng như có thể ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cảnh quan.
Giám đốc điều hành Jennifer Rokala của Center for Western Priorities cho biết: "Kế hoạch này sẽ không chỉ gây hại cho tuần lộc, gấu Bắc Cực và các động vật hoang dã khác, và có thể đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu."
[Biến đổi khí hậu: Lời kêu cứu khẩn thiết từ Bắc Cực]
Bà Rokala cũng nhấn mạnh các công ty dầu mỏ sẽ phải tăng cường cơ sở hạ tầng của họ để chống chọi với lớp băng vĩnh cửu tan chảy và nước biển dâng, dẫn đến tác động thậm chí còn lớn hơn.
Các thành viên đảng Dân chủ trong năm nay đã cáo buộc chính quyền Mỹ về việc không đánh giá đủ kỹ lưỡng tác động của hoạt động khai thác dầu khí gây hại cho loài gấu Bắc Cực.
Trong khi đó, các tổ chức tài chính gần đây cũng đã bày tỏ sự phản đối hoạt động khoan dầu khí tại ANWR hoặc ở Bắc Cực nói chung, với lý do tác động đến môi trường.
Khu vực có hệ sinh thái hết sức nhạy cảm của Alaska tại Bắc Cực đã cấm khoan dầu cho đến khi Quốc hội Mỹ thay đổi điều này trong dự luật thuế năm 2017.
Vào thời điểm đó, một điều khoản trong dự luật thuế đã được Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát thông qua, qua đó cho phép tiến hành hoạt động này tại ANWR sau nhiều năm tranh luận.
Hạ viện hiện do đảng Dân chủ lãnh đạo đã bỏ phiếu để ngăn chặn hoạt động khoan dầu khí tại ANWR một lần nữa, nhưng Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát đã bác bỏ./.