Ngày 22/7, Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ (HHS) thông báo nước này đã đạt thỏa thuận với tập đoàn dược phẩm Pfizer về việc sản xuất và cung cấp 100 triệu liều vắcxin cho người dân tại Mỹ, nếu loại vắcxin do hãng này và công ty BioNTech (Đức) đang nghiên cứu thực sự có hiệu quả trên người.
HHS cho biết thỏa thuận trên cũng cho phép Mỹ có thể mua thêm 500 triệu liều vắcxin nữa, ngoài 100 triệu liều nói trên. Theo HHS, nếu được chứng minh an toàn và có hiệu quả trong giai đoạn III của quá trình thử nghiệm (giai đoạn cuối cùng) và được cấp phép lưu hành khẩn cấp, Pfizer sẽ bắt đầu phân phối vắcxin tới các địa điểm do chính phủ chỉ định ở trên toàn nước Mỹ.
Đáng chú ý, HHS khẳng định số vắcxin này sẽ được cung cấp hoàn toàn miễn phí cho người dân Mỹ. Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azzar cho biết, nước này đang nỗ lực đưa ra hàng loạt loại vắcxin để đảm bảo rằng người dân Mỹ sẽ có ít nhất một loại vắcxin an toàn và có hiệu quả từ này cho đến cuối năm.
Ngay sau khi có những tín hiệu lạc quan này, cổ phiếu của Pfizer và BioNTech đều đã tăng giá trên các sàn chứng khoán ở Mỹ. Pfizer và BioNTech nằm trong số hàng trăm doanh nghiệp đang tham gia "cuộc chạy đua" nhằm tìm ra một loại vắcxin an toàn và có hiệu quả chống lại dịch bệnh COVID-19.
Vắcxin do Pfizer và BioNTech phối hợp nghiên cứu đã cho thấy những kết quả khả quan trong các giai đoạn nghiên cứu đầu tiên được thực hiện trên người. Vắcxin của BioNTech và Pfizer đang được đánh giá là hứa hẹn nhất trong 4 vắcxin thử nghiệm dự kiến được tiến hành với 30.000 người khỏe mạnh tại Mỹ và châu Âu cuối tháng Bảy.
Hồi đầu tháng, BioNTech cho biết việc thử nghiệm hai liều vắcxin tiêm cách nhau 3 tuần, trên 24 tình nguyện viên khỏe mạnh cho thấy sau 28 ngày đã xuất hiện các kháng thể COVID-19 ở mức cao hơn thường thấy trên những người nhiễm bệnh.
Pfizer và BioNTech đang nghiên cứu cùng lúc 4 phiên bản của vắcxin COVID-19, trong đó có 2 phiên bản đã được cấp phép ưu tiên của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Hai doanh nghiệp này dự kiến loại vắcxin COVID-19 có thể được cấp phép sử dụng cho mục đích thương mại sớm nhất vào tháng 10 tới.
Nếu có kết quả thử nghiệm thành công và được cấp phép, BioNTech và Pfizer dự định sản xuất 100 triệu liều vào cuối năm 2020 và thêm 1,2 tỷ liều đến cuối năm 2021 tại các nhà máy ở Đức và Mỹ. Cho đến nay, dù vẫn chưa có loại vắcxin nào được cấp phép sử dụng thương mại, nhưng nhiều quốc gia đã bắt đầu "đặt gạch" các loại vắcxin tiềm năng có kết quả thử nghiệm ban đầu khả quan.
Trước Mỹ, Anh cũng đã đặt mua 30 triệu liều vắcxin của Pfizer-BioNTech. Đây là quốc gia đầu tiên chính thức ký thỏa thuận vắcxin với Pfizer và BioNTech. Các doanh nghiệp này cũng đang cân nhắc khả năng tham gia COVAX Facility, một nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm phân phối vắcxin COVID-19 tới mọi người dân trên thế giới một cách công bằng./.