Mỹ cáo buộc lãnh đạo Wagner đứng sau việc đẩy MINUSMA khỏi Mali

Người phát ngôn an ninh quốc gia của Nhà Trắng John Kirby nói rằng Mỹ có thông tin cho thấy chính phủ chuyển tiếp của Mali đã trả hơn 200 triệu USD cho Wagner kể từ cuối năm 2021.
Mỹ cáo buộc lãnh đạo Wagner đứng sau việc đẩy MINUSMA khỏi Mali ảnh 1Binh sỹ thuộc Phái bộ Gìn giữ Hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) tuần tra tại Dogon, Mali. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 30/6, Mỹ cho biết họ lo ngại về các hoạt động gây bất ổn của Tập đoàn Wagner của Nga ở châu Phi và cáo buộc lãnh đạo của lực lượng lính đánh thuê này đã giúp dàn dựng việc buộc các nhân viên gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc rút khỏi Mali.

Người phát ngôn an ninh quốc gia của Nhà Trắng John Kirby nói rằng Mỹ có thông tin cho thấy chính phủ chuyển tiếp của Mali đã trả hơn 200 triệu USD cho Wagner kể từ cuối năm 2021.

Ông cho biết lãnh đạo Tập đoàn Wagner Yevgeny Prigozhin, người đã lãnh đạo một cuộc binh biến chống lại Điện Kremlin vào cuối tuần trước, đã giúp dàn dựng sự ra đi của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) "để tăng cường lợi ích của Wagner."

[MINUSMA sẽ kết thúc nhiệm vụ hòa bình tại Mali vào ngày 30/6]

Ông khẳng định: "Chúng tôi biết rằng các quan chức cấp cao của Mali đã làm việc trực tiếp với các nhân viên của Prigozhin để thông báo cho tổng thư ký Liên hợp quốc rằng Mali đã thu hồi sự đồng ý cho MINUSMA."

Ngày 30/6, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bỏ phiếu thông qua việc chấm dứt sứ mệnh gìn giữ hòa bình kéo dài hàng thập kỷ tại Mali.

Hội đồng Bảo an đã bỏ phiếu nhất trí về một nghị quyết ngay lập tức kết thúc sứ mệnh của MINUSMA - bắt đầu vào năm 2013 nhằm ngăn chặn sự tiếp quản của các phần tử thánh chiến.

Cuộc bỏ phiếu diễn ra 2 tuần sau khi Ngoại trưởng Mali Abdoulaye Diop khiến Hội đồng Bảo an choáng váng khi gọi sứ mệnh của Liên hợp quốc là một "thất bại" và kêu gọi chấm dứt sứ mệnh này ngay lập tức.

Mối quan hệ của Mali với Liên hợp quốc đã xấu đi nghiêm trọng kể từ cuộc đảo chính năm 2020 khiến một chế độ quân sự lên nắm quyền, chế độ này cũng cắt đứt hợp tác quốc phòng với Pháp.

Theo thông lệ của Liên hợp quốc, một nhiệm vụ gìn giữ hòa bình cần có sự chấp thuận của nước sở tại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục