Mỹ cảnh giác trước nguy cơ bùng phát làn sóng COVID-19 mới

Các chuyên gia y tế cộng đồng cho rằng các nhà lãnh đạo Mỹ nên tận dụng quãng thời gian đại dịch tạm lắng để chuẩn bị cho phương án đối phó với những đợt lây nhiễm có thể bùng phát trong tương lai.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Số ca mắc mới COVID-19 do biến thể Omicron đang giảm dần tại Mỹ, trong khi các bang và thành phố ở nước này từng bước dỡ bỏ các quy định phòng dịch.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cộng đồng cho rằng các nhà lãnh đạo nên tận dụng quãng thời gian đại dịch tạm lắng để chuẩn bị cho phương án đối phó với những đợt lây nhiễm có thể bùng phát trong tương lai.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ gần đây đã công bố hướng dẫn mới về phòng dịch COVID-19, theo đó chuyển sang theo dõi số ca nhập viện, thay vì số ca mắc mới, để đánh giá nguy cơ đối với cộng đồng.

Cơ quan này cho biết nguy cơ quá tải hệ thống y tế ở Mỹ là rất thấp, do đó có thể nới lỏng quy định đeo khẩu trang và các biện pháp hạn chế khác.

Đến nay, hầu hết các bang và thành phố của Mỹ đã hủy bỏ hoặc thông báo kế hoạch hủy bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang và tiêm vaccine ngừa COVID-19.

[Hơn 90% dân Mỹ không cần đeo khẩu trang trong không gian khép kín]

Omicron đã trở thành biến thể chủ đạo tại Mỹ. Hiện Mỹ ghi nhận trung bình 54.000 ca mắc mới COVID-19 và 1.300 ca tử vong mỗi ngày. Tỷ lệ hoàn thành liều cơ bản vaccine ngừa COVID-19 ở nước này là 65%.

Ông Abraar Karan, bác sỹ về bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Stanford, đánh giá tình hình dịch COVID-19 ở Mỹ đang lắng dịu khi số ca mắc mới và số ca nhập viện vì COVID-19 giảm nhanh chóng.

Ông cho rằng đa số người dân Mỹ đã có kháng thể chống lại COVID-19 thông qua tiêm chủng hay miễn dịch tự nhiên và nếu các quy định phòng dịch được dỡ bỏ, số ca bệnh có thể sẽ không tăng mạnh.

Tuy nhiên, ông lo ngại điều này có thể khiến người dân và các nhà lãnh đạo hiểu lầm rằng đại dịch đã kết thúc.

Ông khuyến cáo các nhà chức trách nên tận dụng quãng thời gian này để chuẩn bị ứng phó với nguy cơ xuất hiện một đợt bùng phát tiếp theo nghiêm trọng hơn và lây lan nhanh hơn.

Các chuyên gia cho biết Mỹ nên tiếp tục đầu tư vào khẩu trang, xét nghiệm, máy thở, triển khai tiêm chủng, giám sát nước thải và các biện pháp khác để ngăn ngừa và ứng phó với đợt bùng phát tiếp theo.

Bên cạnh đó, khi làn sóng lây nhiễm mới bùng phát, người dân cần chú ý tới sự thay đổi mức độ rủi ro đối với cộng đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục