Mỹ cảnh báo về giới hạn của sự kiên nhẫn với Iran

Đề cập tới các biện pháp mà Iran đưa ra để đáp trả việc tái áp đặt trừng phạt Tehran, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định đây là nhiệm vụ khẩn cấp và sự kiên nhẫn của Mỹ là có giới hạn.
Mỹ cảnh báo về giới hạn của sự kiên nhẫn với Iran ảnh 1Kỹ thuật viên làm việc bên trong một nhà máy điện hạt nhân ở Isfahan, Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 24/2, Mỹ lên tiếng cảnh báo sự kiên nhẫn dành cho Iran "không phải là vô hạn" trong bối cảnh chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden vừa đề nghị Tehran nối lại các cuộc đàm phán về Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA - tên gọi chính thức của thỏa thuận hạt nhân Iran ký với các cường quốc thế giới vào năm 2015).

Trong phát biểu mới nhất với các phóng viên khi đề cập tới các biện pháp mà Iran đưa ra để đáp trả việc Washington tái áp đặt các lệnh trừng phạt Tehran, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định đây là nhiệm vụ khẩn cấp và sự kiên nhẫn của Mỹ là có giới hạn.

Tuy nhiên, ông Price khẳng định Mỹ luôn tin tưởng rằng cách hiệu quả nhất để đảm bảo Iran không bao giờ phát triển vũ khí hạt nhân là thông qua ngoại giao và Tổng thống Biden đã thể hiện quan điểm rõ ràng về vấn đề này.

[IAEA quan ngại sâu sắc về cơ sở hạt nhân bí mật của Iran]

Nhằm nhanh chóng khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, ngày 18/2 vừa qua, Mỹ đề nghị tổ chức cuộc gặp với Iran dưới sự bảo trợ của Liên minh châu Âu (EU). 

Theo Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki, Washington vẫn đang đợi câu trả lời của Tehran về lời mời nhóm họp của châu Âu. Tuy nhiên, đến nay, nước Cộng hòa Hồi giáo vẫn kiên quyết yêu cầu Mỹ dỡ bỏ toàn bộ các lệnh trừng phạt trước khi nối lại đàm phán.

Trong tuần này, Iran đã bắt đầu hạn chế các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tiếp cận các địa điểm hạt nhân cũng như các thông tin liên quan, nhằm đáp trả việc Mỹ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt ngay lập tức.

Mặc dù vậy, trong một động thái mang tính thỏa hiệp, Iran đồng ý về một thỏa thuận kỹ thuật tạm thời, trong đó sẽ phép  cho IAEA tiến hành theo dõi và giám sát ở mức độ cần thiết.

JCPOA được ký năm 2015 giữa Iran với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran, đổi lại việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm vào nước này.

Tuy nhiên, cựu Tổng thống Donald Trump đã quyết định rút Mỹ khỏi JCPOA vào năm 2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran.

Để đáp trả, một năm sau đó, Iran dần dần đình chỉ việc tuân thủ hầu hết các cam kết hạt nhân quan trọng.

Mặc dù tân Tổng thống Biden đang tìm cách khôi phục JCPOA, nhưng giới chức hai nước vẫn đang tranh cãi việc bên nào phải hành động trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục