Mỹ cảnh báo nguy cơ chậm nâng mức trần nợ công

Chủ tịch FED cảnh báo các nghị sỹ Mỹ cần gạt bỏ bất đồng để tăng mức trần nợ công trước khi tới thời hạn chót vào ngày 2/8 tới.
Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke cảnh báo việc các nghị sỹ Mỹ không gạt bỏ được bất đồng để tăng mức trần nợ công trước khi tới thời hạn chót (vào ngày 2/8 tới) có thể là "giọt nước tràn ly" gây xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Phát biểu tại Washington ngày 14/6, Chủ tịch FED cho rằng thế bế tắc hiện nay tại Quốc hội xung quanh việc nâng mức nợ trần công là "có thể hiểu được," song theo ông, các nghị sỹ Dân chủ và Cộng hòa đã thận trọng một cách thái quá.

Ông Bernanke nhấn mạnh giới hạn nợ đã được đảng Cộng hòa sử dụng như một công cụ để gây sức ép nhằm hối thúc chính quyền của Tổng thống Barack Obama có những điều chỉnh cần thiết trong chính sách tài khóa. Tuy nhiên, đây không phải là một công cụ đúng đắn cho mục đích này.

Theo ông, áp dụng các chính sách tài khóa bền vững luôn là một thách thức đối với nền kinh tế Mỹ hiện nay. Lịch sử đã cho thấy các chính sách này thất bại luôn làm xói mòn nền kinh tế, mức sống của người dân giảm; đồng thời làm tăng các nguy cơ bất ổn kinh tế và tài chính.

Chủ tịch Bernanke kêu gọi trong quá trình thảo luận về các vấn đề tài chính, các nghị sỹ cần tránh những hành động không cần thiết có thể gây xói mòn niềm tin của giới đầu tư về khả năng tài chính của chính phủ.

Luật hiện hành giới hạn tổng số nợ của Mỹ ở mức 14.300 tỷ USD, nhưng số nợ hiện nay của nền kinh tế đã lên tới giới hạn đó (vào ngày 16/5 vừa qua), buộc Bộ Tài chính nước này phải thực hiện các biện pháp đặc biệt, trong khi các nghị sỹ Mỹ vẫn bất đồng về nâng mức trận nợ công.

Mâu thuẫn mấu chốt giữa đảng Cộng hòa, kiểm soát Hạ viện và đảng Dân chủ, chiếm đa số tại Thượng viện, trong vấn đề này là các biện pháp cắt giảm thâm hụt ngân sách.

Cộng hòa tuyên bố không ủng hộ việc tăng mức trần nợ công nếu không có một thỏa thuận cắt giảm chi tiêu đáng kể, trong khi các nghị sỹ Dân chủ lại cho rằng việc cắt giảm chi tiêu phải thực hiện một cách thận trọng để bảo vệ các chương trình phúc lợi xã hội dành cho tầng lớp nghèo khổ và người cao tuổi cũng như đảm bảo rằng quá trình phục hồi kinh tế không bị cản trở./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục