Mỹ cảnh báo hậu quả nếu Quốc hội bác thỏa thuận hạt nhân Iran

Ngoại trưởng Mỹ ngày 23/7 cảnh báo việc Quốc hội bác thỏa thuận hạt nhân với Iran sẽ "bật đèn xanh" cho Cộng hòa Hồi giáo phát triển chương trình hạt nhân.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 23/7 đã lên tiếng bảo vệ thỏa thuận hạt nhận mà nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) và Iran vừa đạt được.

Đồng thời, ông cũng cảnh báo việc Quốc hội bác bỏ thỏa thuận này sẽ "bật đèn xanh" cho nước Cộng hòa Hồi giáo phát triển chương trình hạt nhân.

Phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Ngoại trưởng Kerry đã phản bác lại những cáo buộc của một số nghị sỹ thuộc đảng Cộng hòa khi cho rằng ông đã bị các nhà đàm phán Iran "lừa gạt" tại vòng đàm phán cuối cùng ở Vienna (Áo).

Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ nhấn mạnh thỏa thuận đạt được tại Vienna hôm 14/7 vừa qua sẽ mang lại các giải pháp toàn diện và lâu dài hơn trong việc kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran so với bất cứ một phương án thay thế nào khác.

Một khi được triển khai, Iran sẽ chịu "sự giám sát chặt chẽ vĩnh viễn" và điều này cũng sẽ giúp thế giới tin tưởng chương trình hạt nhân của Tehran chỉ phục vụ mục đích hòa bình. Ông bày tỏ tin tưởng đây là "một thỏa thuận tốt cho cả thế giới, cho nước Mỹ cũng như các nước đồng minh và bạn bè trong khu vực, xứng đáng nhận được sự ủng hộ."

Tại phiên điều trần, Ngoại trưởng Kerry cũng chỉ trích những người phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran đang thúc đẩy một "phương án thay thế phi thực tế."

Ông lưu ý thực tế cho thấy Iran hiện tại đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm về công nghệ phát triển hạt nhân và Mỹ không thể phớt lờ điều này. Do đó, Ngoại trưởng cảnh báo nếu Quốc hội bác bỏ thỏa thuận đạt được giữa nhóm P5+1 và Iran, điều đó đồng nghĩa Mỹ sẽ bị cô lập với quốc tế cũng như tạo cơ hội cho Tehran tăng gấp đôi tốc độ làm giàu urani, tiếp tục vận hành lò phản ứng nước nặng với công suất tối đa, hay lắp đặt các máy ly tâm mới với hiệu xuất cao hơn mà không có sự giám sát chặt chẽ.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ đồng thời bày tỏ lo ngại Washington sẽ "lãng phí cơ hội tốt nhất" để giải quyết vấn đề hạt nhân Iran thông qua các biện pháp hòa bình.

Theo thỏa thuận hạt nhân cuối cùng giữa Iran và các cường quốc, Iran sẽ thu hẹp chương trình làm giàu urani và cho phép việc thanh sát các cơ sở hạt nhân của nước này, đổi lại những biện pháp trừng phạt về kinh tế và tài chính đối với nước này sẽ được từng bước dỡ bỏ.

Hiện Quốc hội Mỹ có 60 ngày để xem xét và đưa ra quyết định cuối cùng về việc phê chuẩn thỏa thuận. Tuy nhiên, thỏa thuận này lại vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nghị sỹ trong Quốc hội Mỹ khi cho rằng Tehran có thể trốn tránh việc thanh tra và sử dụng nguồn tài chính có được sau khi các biện pháp trừng phát được dỡ bỏ để gây bất ổn khu vực.

Trước đó một ngày, Chủ tịch Hạ viện, Hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa John Boehner đã tuyên bố các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa kiểm soát đa số lưỡng viện Quốc hội “sẽ làm mọi việc có thể để ngăn chặn thỏa thuận."

Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Mitch McConnell cho rằng việc Quốc hội có ủng hộ thỏa thuận hạt nhân với Iran hay không giờ đây là tùy thuộc vào "thái độ và sự hợp tác" của chính quyền.

Trước tuyên bố này, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cảnh báo sẽ sử dụng quyền phủ quyết nếu Quốc hội không phê chuẩn thỏa thuận trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục