Ngày 24/7, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yoo Myung-hee đang ở thăm Washington cho biết các lãnh đạo trong ngành kinh doanh của Mỹ lo ngại biện pháp hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản đối với Hàn Quốc sẽ làm tổn hại chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực khác.
Trước đó một ngày, nhóm các hiệp hội thương mại Mỹ đã gửi thư cho bà Yoo và người đồng cấp Nhật Bản là ông Hiroshige Seko, trong đó cảnh báo biện pháp hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản sẽ làm suy yếu chuỗi cung ứng và gây thiệt hại lâu dài cho lĩnh vực sản xuất toàn cầu.
Bà Yoo đang ở Mỹ trong bối cảnh Hàn Quốc tăng cường nỗ lực để giành sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong "cuộc chiến" chống lại biện pháp hạn chế xuất khẩu do Nhật Bản tiến hành.
Phát biểu với các phóng viên, bà Yoo cho biết: "Rõ ràng là Mỹ và các ngành công nghiệp của nước này bắt đầu bày tỏ quan ngại về tác động tiềm ẩn (của biện pháp hạn chế xuất khẩu) đối với không chỉ ngành vi mạch mà còn đối với các phân khúc liên quan.” Bà cũng nêu rõ: “Mục tiêu của chúng ta là buộc Nhật Bản rút lại các hạn chế đó.”
[Hàn Quốc chỉ trích Nhật Bản hạn chế xuất khẩu tại cuộc họp của WTO]
Người đứng đầu ngành thương mại Hàn Quốc dự kiến gặp Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross trong ngày 25/7 để thảo luận vấn đề trên.
Từ ngày 4/7 vừa qua, Nhật Bản đã siết chặt quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc ba vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình - gồm nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide), chất cản màu (resist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao (HF).
Theo một kết quả khảo sát, Hàn Quốc nhập khẩu từ Nhật Bản 94% nhu cầu về các vật liệu trên. Hàn Quốc cáo buộc đây là động thái của Nhật Bản nhằm gây sức ép giải quyết mâu thuẫn song phương về vấn đề lao động thời chiến. Tuy nhiên, Tokyo luôn khẳng định biện pháp này được đưa ra vì lý do an ninh.
Mâu thuẫn giữa Hàn Quốc và Nhật Bản gia tăng phát sinh từ các quyết định của Tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời gian Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 tới cuối Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Nhật Bản luôn khẳng định vấn đề bồi thường đã được hai bên dàn xếp trong hiệp định ký kết năm 1965, theo đó Nhật Bản bồi thường bằng hình thức hỗ trợ tài chính trị giá 500 triệu USD. Tuy nhiên, phía Hàn Quốc vẫn tiếp tục thực hiện phán quyết của tòa án, tịch thu và thanh lý tài sản của các công ty Nhật Bản.
Tháng 1/2019, Nhật Bản yêu cầu giải quyết vấn đề bằng các kênh ngoại giao, nhưng phía Hàn Quốc không chấp thuận và khẳng định vấn đề này phải do cơ quan tư pháp giải quyết./.