Mỹ cân nhắc kỹ trước khi trừng phạt ngành năng lượng của Nga

Washington đang cân nhắc để các biện pháp trừng phạt gây sức ép tối đa với Nga nhưng gây tác động tối thiểu tới thị trường toàn cầu và với đời sống người dân Mỹ.
Mỹ cân nhắc kỹ trước khi trừng phạt ngành năng lượng của Nga ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu ở bán đảo Yamal thuộc vùng Tây Bắc Siberia của Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 2/3, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Mỹ có thể áp đặt trừng phạt ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt của Nga và đang cân nhắc các tác động có thể xảy ra.

Khi được hỏi liệu Washington và các đồng minh phương Tây có trừng phạt ngành năng lượng và khí đốt của Moskva hay không, bà Psaki cho biết khả năng này đang được xem xét. Washington đang cân nhắc các tác động tiềm tàng của lệnh trừng phạt đối với thị trường toàn cầu và giá năng lượng tại Mỹ.

Dù Mỹ đến nay chưa đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành dầu mỏ Nga nhưng các giao dịch Mỹ bắt đầu dè chừng với hoạt động nhập khẩu mặt hàng này khiến các thị trường năng lượng bị gián đoạn.

Người phát ngôn Nhà Trắng cho biết Washington đang cân nhắc để các biện pháp trừng phạt gây sức ép tối đa với Nga nhưng gây tác động tối thiểu tới thị trường toàn cầu và với đời sống người dân Mỹ.

[Nghị viện châu Âu thông qua nghị quyết trừng phạt Nga]

Ngày 1/3, Mỹ và các nước đồng minh nhất trí trích 60 triệu thùng dầu từ các kho dự trữ quốc gia để bù đắp cho tình trạng gián đoạn nguồn cung liên quan cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Cũng trong ngày 2/3, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết Berlin đang chuẩn bị cho kịch bản Nga dừng xuất khẩu khí đốt cho nền kinh tế đầu tàu của châu Âu.

Cụ thể, trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh Deutschlandfunk, ông Babeck cho biết Chính phủ Đức đang chuẩn bị cho kịch bản trên, tuy nhiên trong mùa Đông này và mùa Hè tới nước này sẽ không gặp khó khăn về khí đốt, và từ mùa Đông sang năm sẽ có các biện pháp bổ sung, trong đó bao gồm luật mới để đảm bảo đủ dự trữ khí đốt.

Tuy nhiên, quan chức này nêu rõ đó chỉ là những phương án dự phòng cho trường hợp xấu nhất có thể xảy ra và hiện Nga vẫn vận chuyển khí đốt cho Đức.

Nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, Berlin có thể dựa vào các nhà máy điện chạy bằng than và thậm chí duy trì hoạt động của các nhà máy, tuy nhiên nước này vẫn khẳng định cam kết chuyển đổi sang năng lượng tái tạo trong trung hạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục