Mỹ sẽ hủy Quy chế 'Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn' với Nga?

Mỹ cân nhắc chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga

Nếu được thực thi, việc chấm dứt quan hệ thương mại với Nga là sẽ động thái gia tăng sức ép mới nhất mà Mỹ và các đồng minh đưa ra đối với Nga liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Container hàng hóa được xếp tại cảng Los Angeles, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 11/3, hãng tin Reuters của Anh dẫn các nguồn thạo tin cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ kêu gọi chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga.

Động thái này được cho là sẽ mở đường cho việc tăng thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Nga.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết việc bỏ Quy chế "Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn" với Nga sẽ phải được Quốc hội Mỹ thông qua, song các nghị sỹ từ cả hai viện đều bày tỏ ủng hộ bước đi này.

Theo giới chuyên gia, nếu được thực thi, đây là sẽ động thái gia tăng sức ép mới nhất mà Mỹ và các đồng minh đưa ra đối với Nga liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

[Nga: Các lệnh trừng phạt gây bất ổn thị trường năng lượng và thực phẩm]

Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, trong năm 2019, Nga là đối tác thương mại lớn thứ 26 của Mỹ, với kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 28 tỷ USD.

Các mặt hàng nhập khẩu hàng đầu từ Nga bao gồm khoáng sản nhiên liệu, kim loại quý và đá, sắt thép, phân bón và hóa chất vô cơ.

Tất cả các mặt hàng này có thể phải chịu mức thuế cao hơn nếu Quốc hội Mỹ thông qua việc bãi bỏ quy chế trên.

Trước đó, Tổng thống Biden đã thông báo áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu và các nguồn năng lượng khác của Nga.

Các biện pháp trừng phạt sâu rộng chưa từng có nhằm vào ngân hàng và giới tinh hoa của Nga, song song với lệnh hạn chế xuất khẩu, đã ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế Nga.

Hiện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Nga sẽ rơi vào "suy thoái sâu" trong năm nay.

Tuy nhiên, ngày 10/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào nước này liên quan vấn đề Ukraine sẽ gây bất ổn các thị trường năng lượng và thực phẩm toàn cầu, đẩy giá lương thực, thực phẩm toàn cầu tăng cao vì Nga là một trong những nhà sản xuất phân bón hàng đầu thế giới.

Ông cũng khẳng định Nga sẽ vượt qua khủng hoảng và sẽ mạnh mẽ hơn.

Cũng trong ngày 11/3, Chính phủ Nhật Bản thông báo sẽ đóng băng tài sản của 3 ngân hàng Belarus, vài ngày sau khi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhất trí loại các ngân hàng này khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT do vai trò của chính quyền Minsk trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ba ngân hàng nói trên là Belagroprombank, Bank Dabrabyt và Ngân hàng Phát triển Cộng hòa Belarus./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục