Ngày 6/8, ngày cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cùng với nguyên thủ gần 50 nước châu Phi tổ chức ba diễn đàn tập trung thảo luận về chủ đề phát triển kinh tế bền vững, duy trì hòa bình và ổn định của châu lục này.
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn phát biểu của Tổng thống Barack Obama trong cuộc họp báo kết thúc ba ngày hội nghị nêu rõ người dân châu Phi cần hiểu rằng họ sẽ mãi mãi có một đối tác hùng mạnh và đáng tin tưởng, đó là nước Mỹ.
Ông Obama cam kết nước Mỹ sẽ mở rộng quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực đối với châu Phi, trong đó có sự hợp tác phát triển kinh tế, hợp tác về an ninh nhằm cùng nhau đối phó hiệu quả với các nguy cơ từ chủ nghĩa khủng bố, tình trạng bạo lực, bệnh tật và nạn buôn người.
Ông Obama bày tỏ tin tưởng với những gì đã cam kết trong ba ngày hội nghị vừa qua, nước Mỹ sẽ tăng cường can dự và hỗ trợ các quốc gia châu Phi nâng cao hiệu quả của hoạt động quản trị, tôn trọng các quyền phổ cập của con người và tăng cường các xã hội dân sự.
Theo ông chủ Nhà Trắng, toàn thế giới có lợi ích trong sự thành công của việc gìn giữ hòa bình của châu Phi.
Mặc dù thừa nhận còn nhiều thách thức, nhưng người đứng đầu nước Mỹ bày tỏ lạc quan rằng châu Phi, nơi có 6 trong 10 nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, đã và đang nổi lên trở thành một thị trường ngày càng hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Mỹ.
Ông Obama kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Phi tiếp tục các nỗ lực để ngăn chặn hiệu quả dịch Ebola đã làm thiệt mạng hàng trăm người tại châu lục này.
Tối cùng ngày, tại khuôn viên Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama đã mở quốc tiệc, với hơn 400 quý khách tham dự, trọng thể chiêu đãi các nguyên thủ châu Phi.
Cùng ngày, cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, người khi đang cầm quyền khởi xướng Sáng kiến HIV/AIDS 15 tỷ USD giúp các nước châu Phi chống lại căn bệnh thế kỷ, đã cùng Đệ nhất phu nhân Michelle Obama dành trọn một ngày tham dự các sinh hoạt của Đệ nhất phu nhân các nguyên thủ châu Phi.
Trước đó, trong ngày hội nghị thứ hai, Tổng thống Barack Obama đã thông báo khoản đầu tư trị giá 33 tỷ USD vào châu Phi từ nay đến năm 2018, trong đó có 12 tỷ USD của chính phủ Mỹ mở rộng Sáng kiến Năng lượng châu Phi (Power Africa Initiative-PAI) mà Tổng thống Obama đã đề xuất hồi tháng 6/2013 trong chuyến thăm châu Phi lần thứ ba. Theo đó trong vòng 5 năm cung cấp điện cho ít nhất 20 triệu người tại các nước Ethiopia, Ghana, Kenya, Liberia, Nigeria và Tanzania.
Ngoài khoản tiền cam kết của chính phủ còn có 5 tỷ USD cam kết của tập đoàn chế biến và kinh doanh nước giải khát CocaCola, 2 tỷ của tập đoàn General Electric, 200 triệu của tập đoàn khách sạn Marriot Marriott International Inc., 66 triệu của IBM.
Số còn lại là của các tập đoàn và công ty khác của Mỹ như Chevron Corp., Citigroup Inc., Ford Motor Co., Lockheed Martin Corp., Morgan Stanley và Wal-Mart Stores Inc.
Phát biểu khi công bố khoản đầu tư này, Tổng thống Obama nói rằng chính phủ và các công ty của Mỹ sẽ nỗ lực nhiều hơn và hiệu quả hơn nhằm chuyển quan hệ với châu Phi từ thuần túy là cấp và nhận viện trợ nhân đạo sang xây dựng các mối quan hệ đối tác kinh tế bình đẳng và cùng có lợi.
Bên cạnh đó, chính quyền của Tổng thống Obama đã công bố kế hoạch giành 550 triệu USD, trong vòng từ 3-5 năm tới, để giúp các quốc gia châu Phi phát triển lực lượng gìn giữ hòa bình, qua đó có thể nhanh chóng được triển khai để đương đầu với các mối đe dọa.
Ông Obama từng nhấn mạnh rằng an ninh của châu Phi sẽ giúp củng cố các thành tựu về kinh tế của châu lục này./.