Trong một nỗ lực nhằm hạ nhiệt làn sóng chỉ trích khắp các châu lục, ngày 5/11, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với các đồng minh để giải quyết mối quan ngại về chương trình do thám bí mật của nước này.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung tại thủ đô Warsaw sau cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Ba Lan Radek Sikorski, Ngoại trưởng Kerry cho biết chính quyền Tổng thống Obama không chỉ hoan nghênh các đề xuất thảo luận về vấn đề này mà còn muốn qua đó tăng cường mối quan hệ tình báo giữa Mỹ với các đồng minh và bạn bè.
Ông Kerry cam kết sẽ cùng các đồng minh châu Âu, trong đó có Ba Lan, hợp tác nhằm duy trì sự cân bằng giữa các hoạt động tình báo và bảo vệ các quyền riêng tư.
Ngoại trưởng nước chủ nhà Radek cho biết hai bên đã thảo luận vấn đề trên và nhất trí hợp tác chặt chẽ giữa các lực lượng tình báo của hai nước nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm quyền riêng tư của người dân.
Cũng trong cuộc họp báo này, Ngoại trưởng Mỹ hối thúc các đồng minh châu Âu không để những mối quan ngại về chương trình do thám của Mỹ "che phủ" các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) về Hiệp định Đối tác xuyên Đại Tây Dương, dự kiến diễn ra từ ngày 11/11 tới tại Brussels, Bỉ.
Diễn biến mới nhất liên quan tới vụ bê bối này là việc ngày 5/11, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã yêu cầu Mỹ đưa ra lời giải thích rõ ràng và thỏa đáng về thông tin nói rằng Hàn Quốc cũng nằm trong số những quốc gia bị Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) nghe lén điện thoại và chặn các thư điện tử.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc khẳng định đây là một vấn đề nghiêm trọng và Seoul sẵn sàng có những biện pháp thích hợp sau khi nhận được phản hồi từ Washington.
Trước đó, tờ New York Times số ra ngày 2/11 vừa qua đưa tin NSA đã chọn Hàn Quốc là một trong 19 quốc gia trọng điểm để thực hiện chương trình nghe lén về các chủ trương chính sách đối ngoại, tình báo đối ngoại và phản gián.
Bất chấp những cam kết hợp tác và kiềm chế, ngày 4/11 một số quan chức Mỹ vẫn lên tiếng bảo vệ chương trình do thám điện tử.
Phát biểu trong cuộc điều trần trước Ủy ban Giám sát về quyền dân sự và riêng tư, một cơ quan độc lập được Quốc hội Mỹ thành lập sau vụ 11/9/2001, Tổng thanh tra Cơ quan Tình báo quốc gia (DNI) Robert Litt cùng với các quan chức chóp bu của NSA, Cục Điều tra liên bang (FBI) và Bộ Tư pháp, một mặt cam kết sẽ có những điều chỉnh trong chương trình này, mặt khác khẳng định mọi sự cải cách đều không được làm tổn thương tới các hoạt động thu thập tin tức tình báo và làm giảm hiệu quả của một chương trình mà các quan chức này khẳng định "đã giúp nước Mỹ tránh được nhiều vụ khủng bố".
Trong khi đó, các quan chức Mỹ và Đức tiếp tục thương lượng để tìm ra các giải pháp tăng cường hợp tác tình báo song phương sau vụ bê bối do thám. Theo một quan chức cấp cao trong Chính quyền Obama, hiện tại hai bên chưa đề cập đến thỏa thuận về "không do thám" lẫn nhau, song nhất trí tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau .
Cuối tháng 10 vừa qua, phái đoàn Đức - do ông Guenter Heiss, điều phối viên tình báo của Thủ tướng Merkel dẫn đầu - đã gặp các đồng nghiệp Mỹ, trong đó có Giám đốc Tình báo Quốc gia James Lapper và Cố vấn An ninh quốc gia Susan Rice để thảo luận về chương trình do thám điện thoại.