Tổng thống Joe Biden cam kết với người đồng cấp Afghanistan Ashraf Ghani về duy trì hoạt động hỗ trợ ngoại giao và nhân đạo của Washington dành cho Kabul, trong bối cảnh lực lượng Taliban gia tăng áp lực đối với chính phủ quốc gia Nam Á do Mỹ hậu thuẫn.
Thông báo của Nhà Trắng cho biết trong một cuộc điện đàm ngày 23/7, tổng thống hai nước đã "nhất trí rằng cuộc tấn công hiện tại của Taliban đi ngược hoàn toàn với cam kết của lực lượng này về ủng hộ giải quyết xung đột thông qua đàm phán."
Tổng thống Biden cam kết Mỹ tiếp tục can dự về mặt ngoại giao “để ủng hộ giải pháp chính trị lâu dài và công bằng” cho tình hình Afghanistan.
Nhà Trắng nêu rõ khoản hỗ trợ an ninh trị giá 3,3 tỷ USD mà Mỹ dự kiến giải ngân cho Afghanistan trong năm tài chính 2022 ưu tiên nâng cao năng lực cho Không quân Afghanistan, đảm bảo các nguồn cung cấp chính và tiền lương cho binh sỹ nước này.
[Mỹ tiến hành không kích hỗ trợ các lực lượng chính phủ Afghanistan]
Cũng trong ngày 23/7, Tổng thống Biden đã phê duyệt cho sử dụng đến 100 triệu USD từ một quỹ khẩn cấp để hỗ trợ giải quyết các vấn đề di cư khẩn cấp liên quan đến tình hình tại Afghanistan.
Mỹ cũng thông báo chuẩn bị bắt đầu sơ tán hàng nghìn người Afghanistan từng hợp tác với phương Tây đang lo sợ bị Taliban trả thù.
Tổng thống Biden đã ấn định thời hạn cuối cùng vào ngày 31/8 rút hoàn toàn lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan.
Bạo lực đã gia tăng mạnh kể từ khi kế hoạch rút quân được thông báo trong tháng 4.
Lực lượng Taliban đã phát động một cuộc tấn công trên khắp Afghanistan kể từ đầu tháng 5 vừa qua.
Tính đến thời điểm này, việc rút quân đã gần như hoàn tất, trong khi Taliban tuyên bố đã kiểm soát 85% lãnh thổ Afghanistan và tiếp tục gia tăng các cuộc tấn công.
Giới chức Mỹ đã tiến hành các cuộc đàm phán với các nước láng giềng Afghanistan để hỗ trợ Lực lượng Phòng vệ Afghanistan.
Các nước Nam và Trung Á khác cũng có các cuộc tiếp xúc để thúc đẩy đàm phán hòa bình.
Tình trạng bạo lực leo thang đã phủ bóng đen lên tiến trình đàm phán giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban, được khởi động từ tháng 9/2020 về một lộ trình chính trị hướng tới thiết lập chính quyền chuyển tiếp tại Afghanistan, khi mà bản thân việc đại diện chính quyền Kabul và lực lượng Taliban ngồi lại thương lượng với nhau đã là điều hết sức khó khăn sau hàng thập niên mất lòng tin giữa hai bên.
Ngay trong chính quyền của Tổng thống Ghani cũng nảy sinh mâu thuẫn nội bộ sâu sắc về vấn đề chia sẻ quyền lực và cho phép các thành viên Taliban tham gia chính phủ lâm thời.
Nhiều ý kiến lo ngại Taliban có thể tìm cách củng cố và mở rộng quyền kiểm soát hơn nữa thông qua việc tận dụng quy trình bầu cử./.