Mỹ buộc tội công dân Trung Quốc hỗ trợ chương trình vũ khí Triều Tiên

Bà Mã Hiểu Hồng, người đứng đầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển Công nghiệp Hồng Tường Đan Đông (DHID), cùng với 3 giám đốc của công ty này đã bị hội thẩm đoàn liên bang New Jersey buộc tội.
Mỹ buộc tội công dân Trung Quốc hỗ trợ chương trình vũ khí Triều Tiên ảnh 1Bà Mã Hiểu Hồng. (Nguồn: wsj.com)

Bộ Tư pháp Mỹ ngày 23/7 đã buộc tội 4 công dân Trung Quốc vì thực hiện các giao dịch tài chính với các công ty Triều Tiên bị trừng phạt do liên quan đến hoạt động sản xuất các vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Bà Mã Hiểu Hồng, người đứng đầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển Công nghiệp Hồng Tường Đan Đông (DHID), cùng với 3 giám đốc của công ty này đã bị hội thẩm đoàn liên bang tại New Jersey buộc tội.

Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ John Demers cho biết: “Thông qua hành vi sử dụng hơn 20 doanh nghiệp bình phong, các bị cáo bị buộc tội che đậy những giao dịch tài chính trái phép thay cho các thực thể Triều Tiên đang bị trừng phạt do liên quan đến việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.”

Theo cáo trạng, DHID - công ty có trụ sở tại Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, gần biên giới với Triều Tiên - chuyên xuất nhập khẩu hàng hóa sang Triều Tiên.

[Huawei bí mật hỗ trợ Triều Tiên xây dựng hệ thống mạng không dây]

Công ty bị cáo buộc đã hợp tác với Tập đoàn Ngân hàng Kwangson Triều Tiên (KKBC), đặt trụ sở tại Triều Tiên và có các mối quan hệ với 2 thực thể bị trừng phạt của nước này là Ngân hàng Thương mại Tanchon và Tập đoàn Thương mại Hyoksin Triều Tiên.

Tanchon và Hyoksin là những đối tượng nằm trong phạm vi các lệnh trừng phạt của Mỹ do liên quan đến Công ty Thương mại Phát triển Khai mỏ Triều Tiên (KOMID), công ty bị Mỹ cho là công ty buôn bán vũ khí lớn nhất và nhà xuất khẩu chủ chốt các sản phẩm và thiết bị liên quan đến các loại tên lửa đạn đạo và vũ khí thông thường của Triều Tiên.

4 nhân vật trên có thể phải chịu án tù lên tới 20 năm và một khoản tiền phạt 1 triệu USD vì vi phạm Đạo luật Quyền lực kinh tế khẩn cấp quốc tế (IEEPA) và âm mưu rửa tiền.

Người phát ngôn Bộ Tư pháp Mỹ cho biết hiện Mỹ không giam giữ 4 nhân vật trên và những người này được cho là đang cư trú tại Trung Quốc.

Quyết định mới này được đưa ra chỉ một tuần sau khi Mỹ thông báo áp đặt trừng phạt công ty năng lượng Trung Quốc Châu Hải Chân Nhung do bị nghi ngờ vi phạm những hạn chế áp đặt đối với ngành dầu mỏ của Iran.

Trước đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đưa tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei vào "danh sách đen" từ tháng 5 vừa qua, viện dẫn các lo ngại về an ninh quốc gia, theo đó cấm các công ty Mỹ sản xuất chip và phần mềm mua thiết bị của Huawei.

Đó là chưa kể đến việc Tổng thống Trump đã áp đặt thuế quan đối với hàng nhập khẩu trị giá 250 tỷ USD của Trung Quốc như một cách để gây áp lực lên nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nhằm thay đổi một số thói quen kinh doanh mà Mỹ cho là không công bằng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục