Mỹ: Bê bối nước nhiễm chì nghiêm trọng tại thành phố Newark

Giới chức thành phố Newark của Mỹ phải kêu gọi sự giúp đỡ từ chính quyền liên bang, do gặp khó khăn trong việc xử lý tình hình khủng hoảng nước sạch do phát hiện nồng độ chì cao vượt mức cho phép.
Người dân tại Newark phải sử dụng nước đóng chai cho việc sinh hoạt. (Ảnh: New Jersey Journal)

Các quan chức liên bang tại Mỹ vừa công bố kế hoạch hỗ trợ trị giá 120 triệu USD để thay thế hệ thống đường ống nước cũ tại thành phố Newark, bang New Jersey, sau khi các chuyên gia phát hiện nồng độ chì cao gấp nhiều lần mức cho phép trong nước sạch ở thành phố này.

Phát biểu với báo giới ngày 26/8, Thị trưởng thành phố Newark, ông Ras Baraka cho biết 18.000 đường ống nước cũ sẽ được chính quyền thành phố tiến hành thay thế trong vòng từ 24 đến 30 tháng. Kinh phí cho hoạt động này sẽ  trích từ ngân sách và người dân sẽ không phải thanh toán bất kỳ khoản phí nào. 

Trước đó, hàng nghìn người dân tại thành phố Newark, với đa số là người da màu và gốc Mỹ Latin, đã được khuyến cáo chỉ nên sử dụng nước đóng chai, sau khi Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) phát hiện ra các máy lọc nước ở thành phố này không tách được chì. Thành phố Newark có khoảng 280.000 người dân và rất gần New York.

[WB: Ô nhiễm nước đang làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế]

Chính quyền địa phương đang gặp khó khăn trong việc giải quyết tình hình khủng hoảng nước sạch hiện nay và đã phải kêu gọi sự trợ giúp từ chính quyền liên bang. Thời gian qua, Newark đã phân phối cho người dân gần 40.000 bộ lọc nước. Tuy nhiên, đa số các xét nghiệm thành phần nước cho thấy hàm lượng chì trong nước cao hơn ngưỡng cho phép của EPA. Giới chức y tế đã cung cấp dịch vụ xét nghiệm miễn phí cho người dân cảm thấy lo ngại nước không đảm bảo an toàn. 

Tình hình nước nhiễm chì cao tại Newark được cho là tương tự cuộc khủng hoảng nguồn nước tại các thành phố phát triển công nghiệp như Flint hay Michigan. Cách đây 3 năm, nước uống tại Flint đã bị ô nhiễm khi nhà chức trách chuyển sang nguồn nước chưa được xử lý kỹ để tiết kiệm chi phí. Vào thời điểm đó, hàng nghìn trẻ em đã nhiễm độc và 12 trường hợp tử vong do viêm phổi vì nhiễm khuẩn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục