Mỹ: Bất bình đẳng gia tăng cùng với nhiều khủng hoảng

Trang mạng World Socialist Web Site (WSWS) đã đăng bài viết phân tích hậu quả của sự bất bình đẳng dẫn đến cuộc khủng hoảng dân chủ tại Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Mới đây, Viện Chính sách Kinh tế - một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington DC (Mỹ) - đã công bố số liệu cho thấy thu nhập trung bình của các giám đốc điều hành (CEO) của 350 doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ đã tăng 17,6% trong giai đoạn 2016-2017.

Trong khi đó, thu nhập của một người lao động tại Mỹ chỉ tăng 0,3%.

Trang mạng World Socialist Web Site (WSWS) đã đăng bài viết phân tích hậu quả của sự bất bình đẳng dẫn đến cuộc khủng hoảng dân chủ.

Tại Mỹ, một CEO điển hình có thu nhập gấp 312 lần một người lao động bình thường, trong khi tỉ lệ này trong thập kỷ 60 của thế kỷ trước mới chỉ là 20 lần.

Điều đó chỉ ra rằng thu nhập trong một ngày của các CEO bằng, thậm chí cao hơn, một người lao động trung bình nhận được trong cả một năm.

Mười năm sau khi chính quyền của Tổng thống George W. Bush và Barack Obama thực hiện chiến dịch giải cứu ngân hàng lớn nhất lịch sử nhân loại sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, các chỉ số về bất bình đẳng xã hội đang gia tăng chóng mặt.

Năm 2008, 400 người giàu nhất nước Mỹ sở hữu tổng giá trị tài sản ròng là 1.500 tỷ USD. Con số này hiện đã tăng gấp đôi, đạt gần 3.000 tỷ USD.

Mười năm trước, giá trị tài sản ròng của Jeff Bezos, CEO của Amazon là 8.7 tỷ USD và hiện tại là 140 tỷ, gấp 16 lần.

Còn CEO của Facebook, Mark Zuckerberg, sở hữu tài sản trị giá 1,5 tỷ USD khi khủng hoảng tài chính diễn ra và con số này giờ đã là 69 tỷ USD, tức tăng gấp 46 lần.

Những người bị coi là thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng tài chính không phải vào tù mà họ còn ngày càng trở nên giàu có hơn.

Các CEO như Jamie Dimon của JP Morgan Chase hay Lloyd Blankfein của Goldman Sachs, đều đã trở thành tỷ phú trong thập kỷ vừa qua bằng cách đánh cược vào sự đổ vỡ của thị trường, bất chấp việc họ nằm trong số các thủ phạm tạo ra các bong bóng về cho vay thế chấp bất động sản dưới chuẩn.

Trong năm thứ 9 của thời kỳ hồi phục, nền kinh tế vẫn có nhiều việc làm với thị trường lao động sôi động hơn từ nhiều thập kỷ qua, nhưng tiền lương lại giảm.

Trong 12 tháng qua, mức lương trung bình trên thực tế đã giảm 0,2%, trong khi giá cổ phiếu lại tăng 12%.

Khi các phương tiện truyền thông tư bản viết về việc tiền lương trả cho người lao động giảm liên tục trong bối cảnh lợi nhuận gia tăng mạnh, họ tự hỏi tại sao cơ chế "thị trường tự do," với khẩu hiệu "nước lên thì thuyền lên," lại bị rơi vào tình trạng trục trặc.

Nhưng trong giới cầm quyền, điều bí mật là sự phát triển của xã hội bất bình đẳng chính là hệ quả của các bong bóng tài chính, các vụ phá sản và những chiến dịch cứu trợ.

Thời kỳ trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính, các chính quyền Dân chủ cũng như Cộng hòa cùng với các nhà quản lý ngân hàng đã khuyến khích hình thành các bong bóng tài chính hết đợt này tới đợt khác.

Sau các vụ phá sản, chẳng ai bị buộc tội và nợ xấu của các ngân hàng thì được công quỹ gánh, và Cục Dự trữ Liên bang cùng chính quyền Obama đã khuyến khích tạo ra một bong bóng tài chính mới để làm giàu cho giới lãnh đạo bằng cách gây thiệt hại cho số đông người lao động.

Mức độ bất bình đẳng xã hội chưa từng thấy không hề tương thích với cái vỏ dân chủ của thể chế.

Hơn một thập kỷ trước, phản ứng trước cuộc bầu cử "bị đánh cắp" năm 2000 và sự hủy diệt các quyền dân chủ dưới cái tên "cuộc chiến chống khủng bố," trang WSWS đã giải thích rằng tình trạng này là do sự gia tăng bất bình đẳng xã hội gây ra.

Tại một hội nghị vào năm 2006, David North, Chủ tịch Hội đồng biên tập Quốc tế của WSWS đã đưa ra nhận định rằng cơ cấu xã hội Mỹ đang bị tổn hại sâu sắc. Mức độ phân cực giàu nghèo đang bùng nổ.

Những người nằm trong số 5% hoặc 1% top đầu về thu nhập và mức độ giàu có chẳng mấy mặn mà với các quyền dân chủ.

Tất nhiên là có thể có ngoại lệ nhưng mối quan hệ khách quan giữa tầng lớp giàu có nhất với dân chủ khác xa so với số đông của xã hội.

Đối với giới tinh hoa cầm quyền, dân chủ là cái buộc phải thực hiện chứ không phải là cần thiết. Như thực tế đã xảy ra quá nhiều trong thế kỷ 20, sự độc tài chính là nhằm bảo vệ chứ không phải đe dọa tầng lớp giàu có.

[Kinh tế Mỹ "thấm mệt" sau các "đòn" thuế nhập khẩu của ông Trump]

Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, tiến trình này có vẻ đang tăng thêm.

Edward Snowden, cựu nhân viên tình báo Mỹ đang tị nạn ở Nga, đã chỉ ra rằng cơ quan mật vụ Mỹ đã tiến hành do thám người dân trên quy mô lớn tới mức khiến "những thợ ống nước" của Richard Nixon giống như những người nghiệp dư.

 

Còn nhà báo Julian Assange, người đã đưa ra ánh sáng nhiều hồ sơ về các tội ác chiến tranh và âm mưu chống lại dân chủ, đã và vẫn đang bị giam cầm tại London theo lệnh của chính quyền Mỹ.

Đáng báo động hơn, theo lệnh của tình báo Mỹ và các chính trị gia hàng đầu, các công ty công nghệ lớn đang thực hiện một chế độ kiểm duyệt Internet với quy mô chưa từng thấy.

 

Càng ngày, một bộ phận trong giới truyền thông cũng như giới tinh hoa cầm quyền đang sử dụng một thứ ngôn ngữ làm liên tưởng tới việc hỗ trợ cho một cuộc đảo chính quân sự.

Mới đây, tờ New York Times đã đăng một bài báo của nhà báo, nhà văn Tim Weiner, có ý gần như kêu gọi một cuộc nổi loạn.

Hai phe phái của tầng lớp cầm quyền, bất chấp vẫn lăng mạ lẫn nhau, thực chất đều cùng đại diện cho khuynh hướng chính trị độc đoán cánh hữu.

Cần phải chống lại giới đầu sỏ chính trị tư bản với các phương pháp của cuộc đấu tranh giai cấp bằng sự can thiệp có ý thức và độc lập của tầng lớp lao động trong đời sống chính trị.

Trên toàn thế giới, giai cấp công nhân đang đấu tranh, từ các nhân viên của UPS ở Mỹ đến phi công và phi hành đoàn của hãng hàng không Ryanair ở châu Âu.

Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy sự ủng hộ của tầng lớp thanh niên và người lao động với chủ nghĩa xã hội ngày càng tăng.

Cuộc đấu tranh chống bất bình đẳng gia tăng của tầng lớp lao động với quan điểm xã hội chủ nghĩa là cách duy nhất để bảo vệ các quyền dân chủ, mà điều này chỉ có thể được đảm bảo khi kết thúc hệ thống tư bản - khởi nguồn của bất bình đẳng, chiến tranh và chuyên quyền./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục