Cảnh báo nắng nóng đã được đưa ra đối với miền Tây nước Mỹ, các vùng đồng bằng rộng lớn ở Bắc Mỹ và khu vực phía Nam bang Florida, trong bối cảnh hơn 5.000 kỷ lục nhiệt độ đã bị phá vỡ ở nước này chỉ trong vòng 30 ngày qua.
Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết cảnh báo này dự kiến có thể ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của hơn 35 triệu người dân tại đây.
Nắng nóng kỷ lục trong vòng 3-4 tuần qua tại hạt Maricopa thuộc Arizona - bang miền Tây Nam nước Mỹ - đã khiến nhiều người bị bỏng nặng do cháy nắng, thậm chí bỏng nắng có thể đe dọa đến tính mạng. Số người gặp phải tình trạng này gia tăng đang đặt ra gánh nặng đối với không ít bệnh viện.
“Số bệnh nhân bị bỏng nặng do cháy nắng gia tăng rất bất thường. Mức độ nghiêm trọng của vết bỏng cũng lớn hơn và chúng tôi chưa thể tìm được lời giải thích thỏa đáng cho điều này” - Giám đốc bộ phận điều trị bỏng tại Trung tâm Điều trị Bỏng Arizona, ông Kevin Foster, cho hay.
Ông Foster cho biết 45 giường bệnh tại trung tâm của ông đều kín chỗ. Khoảng 30% số bệnh nhân được tiếp nhận tại trung tâm là những người bị bỏng nắng và ngã xuống mặt đường. Một nửa trong số những bệnh nhân được điều trị tích cực là những người bị bỏng sau khi ngã xuống mặt đường.
Ông Foster cảnh báo nguy cơ bị bỏng nắng độ 3 đối với những người trên vỉa hè làm bằng bêtông thảm nhựa asphalt trong vòng từ 10-20 phút.
Bỏng nắng độ 3 đồng nghĩa với việc bệnh nhân cần trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, điều trị trong bệnh viện nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng và cần phẫu thuật tái tạo da.
[Nắng nóng cực đoan còn kéo dài đến hết tháng 8 trên nhiều khu vực]
Tùy thuộc vào tư thế ngã, nạn nhân có thể bị bỏng nắng - theo ông Frank LoVecchio, bác sỹ phụ trách phòng điều trị khẩn cấp thuộc Trung tâm Y tế Valleywise ở thành phố Phoenix, bang Arizona.
“Nếu họ ngã quỳ gối trên mặt đường bêtông hoặc đường thảm nhựa asphalt trong lúc trời nắng nóng thì chỉ vài phút sau họ có thể bị bỏng nắng. Đáng buồn là điều này xảy ra khá thường xuyên” - ông LoVecchio cho biết.
Chủ tịch Hiệp hội Thú y Mỹ Rena Carlson cho rằng điều quan trọng là người dân cần thực hiện các biện pháp phòng tránh cần thiết.
Nếu người dân cần dắt thú cưng đi dạo ngoài đường khi trời nắng nóng thì nên vào buổi sáng hoặc tối muộn thay vì buổi chiều khi mặt đường bêtông, thảm nhựa asphalt bị hấp thụ nhiệt và nóng lên.
Một tuần trước, Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS) cảnh báo sóng nhiệt đang lan rộng tại nhiều địa phương ở Mỹ, khiến hơn 80 triệu người sống trong tình trạng cảnh báo nắng nóng nghiêm trọng.
Sóng nhiệt là một trong những trạng thái thời tiết cực đoan gây ảnh hưởng nghiêm trọng tại Mỹ, tương tự như các cơn bão lốc, mưa bão và khói cháy rừng.
Người dân khu vực phía Tây và Nam nước Mỹ đã phải hứng chịu nhiệt độ lên tới ba con số (độ F).
Nhiệt độ tại một số vùng sa mạc của Mỹ đã vượt 120 độ F (48,8 độ C) vào ban ngày và duy trì trên 90 độ F (32,2 độ C) vào ban đêm. Thung lũng Chết ở California có lúc nhiệt độ lên tới 128 độ F (53,33 độ C).
Hôm 23/6 vừa qua, nắng nóng khắc nghiệt đã khiến một cậu bé 14 tuổi tử vong trong lúc đi bộ tại Vườn Quốc gia Big Bend ở bang Texas do nhiệt độ tăng lên tới 48,3 độ C.
Chính quyền một loạt bang của Mỹ như California, Nevada, Arizona, New Mexico, Louisiana, Texas, Arkansas, Mississippi, Alabama, Oklahoma và Florida đã ban bố cảnh báo nắng nóng nghiêm trọng cùng với các hướng dẫn để đảm bảo sức khỏe và an toàn của người dân.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 19/7 cũng đã hối thúc Chính phủ các nước thành lập hệ thống theo dõi sức khỏe dành cho những người có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hiện tượng nắng nóng.
Giám đốc Văn phòng Môi trường, Biến đổi khí hậu và Sức khỏe của WHO Maria Neira cho biết: “Chúng tôi rất quan ngại về ảnh hưởng của điều kiện thời tiết lúc này tới những người không khỏe mạnh. Rõ ràng, những đợt nắng nóng có thể làm trầm trọng thêm các căn bệnh họ đã mang trong người.”
Những người mắc các bệnh tim mạch, hô hấp và tiểu đường, cũng như phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ và người vô gia cư là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất trước các đợt nắng nóng đang diễn ra ở nhiều khu vực châu Âu, châu Á và Mỹ - theo WHO.
Hiện tượng thời tiết El Nino được coi là nguyên nhân gây ra đợt nắng nóng năm nay./.