Mỹ ban hành sắc lệnh kiểm soát các ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất súng

Sắc lệnh chỉ thị việc thành lập một lực lượng đặc nhiệm để tìm hiểu và nghiên cứu những mối đe dọa mà công nghệ mới trong lĩnh vực sản xuất, sửa chữa và chuyển đổi súng đạn có thể gây ra.

Một cửa hàng bán súng ở Capitol Heights, Maryland (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một cửa hàng bán súng ở Capitol Heights, Maryland (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 26/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành sắc lệnh hành pháp nhằm ứng phó trước những mối đe dọa gia tăng khi sự xuất hiện của công nghệ mới khiến việc mua bán và sở hữu súng đạn trở nên dễ dàng hơn.

Đây là bước đi tiếp theo trong nỗ lực ngăn chặn bạo lực súng đạn vốn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Tổng thống Biden.

Sắc lệnh chỉ thị việc thành lập một lực lượng đặc nhiệm để tìm hiểu và nghiên cứu những mối đe dọa mà công nghệ mới trong lĩnh vực sản xuất, sửa chữa và chuyển đổi súng đạn có thể gây ra, chẳng hạn như công nghệ có thể chuyển đổi một khẩu súng lục bán tự động thành một khẩu súng hoàn toàn tự động.

Ngoài ra, lực lượng này cũng đánh giá mối nguy hiểm đến cộng đồng trước sự xuất hiện gia tăng của súng in 3D, nhất là khi công nghệ in 3D có thể giúp tạo ra loại súng này một cách dễ dàng hơn và không có số seri khiến cơ quan thực thi pháp luật khó có thể quản lý.

Ngoài ra, sắc lệnh yêu cầu các cơ quan liên bang nghiên cứu cách thức phối hợp với các đơn vị giáo dục tổ chức diễn tập ứng phó trước tình huống khi xảy ra xả súng theo cách giảm thiểu những tác động tiêu cực về mặt tinh thần và tâm lý, đồng thời phát huy tối đa hiệu quả của những hoạt động diễn tập như vậy.

Theo kế hoạch, lực lượng đặc trách này sẽ đưa ra báo cáo đầu tiên về nhiệm vụ trên sau 90 ngày, tức không lâu trước khi Tổng thống Biden kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 1/2025.

Trước đó, ông Biden khẳng định sẽ hoàn thành nhiệm vụ cho đến hết nhiệm kỳ, tập trung vào những vấn đề quan trọng nhất, trong đó có nỗ lực kiểm soát bạo lực súng đạn.

Tổng thống Biden khẳng định: "Chúng ta cần phải làm tốt hơn (vấn đề kiểm soát súng đạn) và có thể làm được tốt hơn nữa," đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ tài chính lớn hơn cho các cơ quan thực thi pháp luật liên bang.

Phát biểu tại một sự kiện ở Nhà Trắng, Phó Tổng thống Kamala Harris nhấn mạnh người dân Mỹ có quyền sống và làm việc mà không bị ám ảnh bởi nỗi lo sợ bạo lực súng đạn. Trong chiến dịch vận động tranh cử của mình, bà Harris - ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ - cũng kêu gọi chấm dứt bạo lực súng đạn.

Lâu nay, bạo lực súng đạn trở thành một trong những vấn đề dai dẳng khó giải quyết nhất ở Mỹ. Bạo lực súng đạn cũng đã trở thành cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng do số người thương vong liên quan đến súng ở nước này ngày càng tăng.

Theo dữ liệu do hai cơ quan báo chí Mỹ gồm USA Today và AP cùng với Đại học Northeastern tổng hợp, tính từ đầu năm đến nay, đã có ít nhất 31 vụ xả súng ở Mỹ, khiến ít nhất 135 người thiệt mạng không tính những thủ phạm bị cảnh sát bắn hạ.

Mặc dù các quy định về súng là một vấn đề gây chia rẽ ở Mỹ, nhưng đa số người dân nước này ủng hộ việc hạn chế súng đạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục