Giới lập pháp Mỹ tiếp tục không chấp nhận chiến lược đối phó với nguy cơ vỡ nợ của 11 ngân hàng lớn với lý do thiếu tính thực tiễn và hiệu quả, cảnh báo sự thiếu chuẩn bị của các thể chế tài chính này có thể đẩy nền kinh tế Mỹ nói riêng và thế giới nói chung vào một cuộc khủng hoảng tài chính mới.
Ngày 5/8, Phó Chủ tịch Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) Thomas Hoenig nhận định các kế hoạch phòng ngừa rủi ro của nhóm ngân hàng lớn đã không cho thấy được khả năng đối phó với nguy cơ vỡ nợ mà không rơi vào khủng hoảng tài chính.
Các đề xuất đưa ra không gồm các chiến lược đối phó khủng hoảng rõ ràng hay đáng tin cậy, trái lại chủ yếu là các giả định phi thực tế cũng như đòi hỏi trợ giúp trực tiếp hoặc gián tiếp từ cộng đồng.
Ngân hàng Dự trữ liên bang (Fed) và FDIC nhấn mạnh nhóm 11 ngân hàng lớn, thường được biết đến là các ngân hàng "không được phép vỡ nợ," cần đưa ra các kế hoạch tốt hơn để sẵn sàng tái cơ cấu trong trường hợp gặp rắc rối.
Các ngân hàng trên bao gồm JPMorgan Chase, Goldman Sachs, Deutsche Bank, Bank of America, Bank of New York Mellon, Barclays, Citigroup, Credit Suisse, Morgan Stanley, State Street và UBS.
Theo Đạo luật Dodd-Frank ra đời ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009, các ngân hàng phải chuẩn bị một chiến lược đưa ra "giải pháp nhanh chóng và có trật tự" chuẩn bị cho tình huống phá sản hoặc gặp phải rắc rối tài chính nghiêm trọng. Đạo luật này nhằm giải quyết vấn đề phát sinh từ tầm ảnh hưởng quá lớn của các ngân hàng "không được phép vỡ nợ," do lo ngại các thể chế này khi gặp khó khăn có thể gây ra tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế.
Động thái này là lần thứ hai giới lập pháp Mỹ bác kế hoạch đối phó khủng hoảng của các "đại gia" ngân hàng. Hồi tháng Tư năm ngoái, bản kế hoạch đầu tiên của các "ông lớn" này cũng không được chấp nhận. Giới lập pháp nhìn nhận bản kế hoạch lần hai đã có "một số cải thiện" so với lần đầu, song vẫn tồn tại những lỗ hổng lớn. Các ngân hàng này có thời hạn tới tháng 7/2015 để giải quyết các khiếm khuyết đã được chỉ ra./.